Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để chống bão

Chiều 19/7, bão Thần Sấm dự kiến đổ bổ các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình kèm mưa rất to. Các bộ, ngành được yêu cầu hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để chống bão.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vị trí tâm bão Thần Sấm hiện cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía Đông Đông Bắc, với sức gió mạnh cấp 13 (130 -150 km/h).

Chiều 18/7, vị trí tâm bão ở trên vùng bờ biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), với sức gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17. Từ đêm 18/7, các tỉnh Bắc và Trung bộ có mưa to đến rất to. 

Sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm trước 16 giờ 18/7

Các tàu thuyền hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa phải về bờ neo đậu trong ngày 17/7.

Sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm như vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, những nơi có khả năng bị ngập sâu và có nguy cơ cao về sạt lở đất, trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, hoàn thành trước 16 giờ ngày 18/7.

Đến 16h ngày 19/7, bão dự kiến đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc bộ, với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 8-9 (từ 60-90 km/h), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối 18/7, vùng biển vịnh Bắc bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh dần lên cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, biển động dữ dội, sóng biển cao 5-6 mét.

Cũng từ đêm mai, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10- 11.

Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và khu Đông Bắc có gió mạnh cấp 6-7, có nơi cấp 8, giật cấp 9. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm mai có mưa to.



Bão Rammasun được nhận định đi vào các tỉnh từ Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình. Ảnh: NCHMF

Trước tình hình bão Thần Sấm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có Công điện yêu cầu các địa phương, bộ ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão; đình hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão.

Với các địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão cần đảm bảo an toàn công trình, đặc biệt đối với đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Các địa phương hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình.

Tùy vào diễn biến cụ thể của bão các địa phương chủ động chỉ đạo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn; triển khai giải pháp chống ngập úng tại các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Đài Khí tượng Hong Kong cũng dự báo bão đi vào các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng...
Đài Khí tượng Hong Kong cũng dự báo bão đi vào các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng...

Với các tỉnh, thành phố ven biển, phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan: sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Căn cứ diễn biến của bão và thực tế tại địa phương, quyết định cấm tàu thuyền ra khơi.

Với các tỉnh trung du, miền núi cần kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn. Ngoài ra, cần cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực giao thông có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn.

Thủ tướng cử đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó với bão.

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm