Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) khu vực miền Trung, hiện ở vùng biển Hoàng Sa có khoảng 300 tàu thuyền với hơn 2.500 ngư dân; khu vực quần đảo Trường Sa có 700 tàu thuyền với khoảng 7.000 lao động đang khai thác, đánh bắt.
Tại Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP và Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng liên tục phát đi các thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, nhanh chóng vào bờ, thoát khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Ngư dân Đà Nẵng dùng dây chằng chéo tàu thuyền. |
Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các ngành và địa phương cấp quận, huyện cũng đã lên phương án tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và duy trì liên lạc với Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP.
Tại Quảng Nam, Đại tá Dương Hoài Nam, Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết hiện có 138 tàu của tỉnh hoạt động trên biển, trong đó 50 phương tiện xa bờ. Hầu hết các chủ phương tiện đã nắm được thông tin về bão.
Cũng giống như Đà Nẵng, lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Nam đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết. “Chúng tôi sẵn sàng bắn pháo hiệu báo bão, bố trí lực lượng phương tiện sẵn sang để ứng phó với bão Ramasun”, Đại tá Dương Hoài Nam cho biết.
Ngoài việc chuẩn bị nhân vật lực, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP.Đà Nẵng cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó với thiên tai, xây dựng các biểu mẫu, chương trình cụ thể, sát thực nhất để phòng, tránh và hạn chế thiệt hại do bão lũ gây ra. Cụ thể, kịch bản đối phó với bão từ cấp 8 - 11, Đà Nẵng xác định vùng ảnh hưởng là toàn bộ vùng biển, hải đảo, đất liền để sơ tán, di dời dân vào những công trình kiên cố, vùng cao.Ngư dân dùng cây và các loại dây lớn chằng chéo tàu tại âu thuyền Thọ Quang. |
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban PCLB&TKCN Đà Nẵng, cho biết nếu bão rất mạnh, siêu bão (từ cấp 12 trở lên) đổ vào, Đà Nẵng xác định các khu vực nước biển dâng, vùng ảnh hưởng trực diện, khu vực ngập sâu để công tác sơ tán dân đảm bảo an toàn.
Cũng theo ông Thắng, diễn biến thời tiết những năm gần đây khá thất thường, không theo quy luật. Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, gia tăng các loại hình thời tiết dị thường, nguy hiểm, thiên tai. Tuy nhiên, với kinh nghiệm “sống chung” với bão hàng trăm năm qua, Đà Nẵng sẽ ứng phó tốt với diễn biến thất thường này.
Chiều 16/7, Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng cho hay hệ thống đang phát thông báo hàng hải tìm kiếm ngư dân tàu KH 90154 mất tích. Theo thông tin ban đầu, trưa cùng ngày, tàu KH 90154 cùng 9 ngư dân đang hành nghề tại vị trí có tọa độ 17,10 độ vĩ bắc, 110,30 độ kinh đông thì ngư dân Nguyễn Văn Tài bị rơi xuống biển.
Phát hiện lao động mất tích, thuyền trưởng tàu KH 90154 báo tin trên sóng duyên hải, đồng thời vòng tàu lại tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương, cũng như các phương tiện đang hoạt động gần đó tăng cường quan sát, hỗ trợ tàu cá có ngư dân bị nạn.