Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Hà Nội phải gương mẫu nhất trong phòng, chống dịch Covid-19

Để chuẩn bị cho phát triển kinh tế, xã hội sau khi dịch bệnh cơ bản được giải quyết, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải làm công tác phòng chống dịch Covid-19 tốt nhất, gương mẫu nhất.

Sáng 20/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm của 9 tháng cuối năm.

Nhấn mạnh Hà Nội là trái tim của cả nước, Thủ tướng đặt ra yêu cầu địa phương này phải làm công tác phòng chống dịch Covid-19 tốt nhất, gương mẫu nhất, để chuẩn bị cho phát triển kinh tế - xã hội sau khi dịch bệnh cơ bản được giải quyết.

Bên cạnh đó, phải cố gắng hoàn thành các mục tiêu quan trọng cơ bản của năm 2020, đóng góp quan trọng cho cả nước hoàn thành nhiệm vụ với phương châm “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

kich ban tang truong kinh te cua Ha Noi anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội. Ảnh: VGP.

Đánh giá con số tăng trưởng gần 4% GDP trong quý I của Hà Nội là cố gắng, nhưng theo người đứng đầu Chính phủ, so với cùng kỳ thì còn thấp do dịch bệnh, vì thế cần quyết liệt hơn nữa, xốc tới hơn nữa, giải quyết “mạch nguồn” của các ách tắc.

Thủ tướng cũng mong muốn thành phố này luôn vươn lên, làm gương về phát triển. Ông khẳng định luôn lắng nghe các kiến nghị của Hà Nội để cố gắng xử lý, tạo điều kiện cho thủ đô.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong quý I, tăng trưởng của Hà Nội giữ được mức tăng 3,72% nhờ duy trì tốt nhóm ngành công nghiệp - xây dựng với mức tăng 5,46% (trong đó xây dựng đạt 6,35%) và nhóm ngành dịch vụ đạt 3,20% do trong tháng 1 và tháng 2 chưa bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19.

Thu ngân sách chưa bị ảnh hưởng do nhiều khoản thu chuyển từ quý IV/2019 sang quý I/2020; Một số lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có cơ hội phát triển như sản phẩm công nghiệp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin....

Trong khi đó, nhiều lĩnh vực giảm mạnh như du lịch, vận tải, xuất - nhập khẩu. Riêng sản xuất nông nghiệp giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhưng được nhìn nhận vẫn có cơ hội phát triển trong năm 2020.

Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36%, số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 22% so với cùng kỳ.

Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong 3 tháng đầu năm, Hà Nội đã dự báo và xây dựng các kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với kế hoạch năm 2020 đề ra với tốc độ tăng trưởng 7,5%.

Theo đó, có 3 kịch bản được thành phố xây dựng.

Kịch bản thứ nhất là kết thúc giãn cách toàn xã hội vào 22/4 hoặc 3/5, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7/2020.

Kịch bản thứ hai là dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế trong quý II, nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát, vì thế việc khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu.

Kịch bản 3 là dịch Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao, trong quý II không thể kiểm soát dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội. Bởi vậy kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ tịch Hà Nội nói về kịch bản tốt nhất và tệ nhất của dịch Covid-19

Theo ông Nguyễn Đức Chung, kịch bản tốt nhất là đại dịch sẽ kéo dài thêm khoảng 3 tháng và được khống chế, kiểm soát trên phạm vi toàn cầu.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm