Ngồi trên chiếc ghế làm việc của công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn trả lời những băn khoăn liên quan đến môi trường, tăng lương, nhà trẻ cho con em công nhân hay an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, khi có công nhân bày tỏ “vẫn thấy Thủ tướng xa quá”, ông xuống tận nơi để lắng nghe và trả lời.
'Thủ tướng ở xa quá'
Trả lời câu hỏi của MC: “Theo bạn thì Thủ tướng ở khoảng cách gần hay xa?”, Trần Thị Hằng Thu, một công nhân Công ty Changshin bày tỏ: “Em thấy Thủ tướng ở xa quá”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuống tận nơi trò chuyện với công nhân Trần Thị Hằng Thu. Ảnh: Ngọc An |
Ngay sau chia sẻ của nữ công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời khán đài, đến tận chỗ của Trần Thị Hằng Thu. Trước câu hỏi về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn: "Tôi đề nghị các công ty phải công khai thực đơn cũng như giá cả của bữa ăn, công nhân phải biết cân thịt giá bao nhiêu, cân rau chừng nào tiền, đừng để thất thoát trong mua bán, ăn uống ảnh hướng đến đời sống công nhân".
Nếu có ngộ độc, nơi nào để thực phẩm bẩn, chính quyền ở đó phải chịu trách nhiệm trước công nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ngay sau phần trả lời của Thủ tướng, chị Trần Thị Hằng Thu bày tỏ cảm giác phẩn khởi và hy vọng sau Tết lao động này, bữa cơm của anh em công nhân được cải thiện đáng kể. Theo đó, thực đơn cũng như mức tiền ăn của công nhân được tăng lên, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.
Theo chị, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề cực kỳ bức xúc trong giới công nhân tại các khu chế xuất và khu công nghiệp. “Tôi không hiểu sao các công ty có thể nấu những bữa ăn không đảm bảo chất lượng như vậy. Công nhân ngoài ngày làm 8 tiếng còn thường xuyên phải tăng ca nữa. Làm sao họ có thể đủ sức khoẻ được”, nữ công nhân nói. Riêng đối với công ty mà chị Hằng Thu đang làm việc, công nhân tự chuẩn bị bữa cơm mang đi, công ty sẽ chi trả tiền ăn qua lương hàng tháng.
Chị Hằng Thu cũng chia sẻ, sau phần trả lời của Thủ tướng, chị không cảm thấy xa cách nữa. Ngược lại, Thủ tướng rất chia sẻ với người công nhân. “Giờ em thấy Thủ tướng rất gần gũi”, chị Thu nói.
Vừa bước ra khỏi hội trường, chị Trần Thị Thuý Nga rạng rỡ: “Tôi thấy Thủ tướng gần gũi như dân mình. Cũng rất hy vọng sau cuộc gặp này, đời sống của công nhân được chăm lo và cải thiện hơn”. Chị Thuý Nga, cũng như hàng nghìn công nhân khác đang kỳ vọng vào sự thay đổi cũng như cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nhiều trăn trở gửi Thủ tướng
Tuy gần 9h, cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới diễn ra, nhưng từ 6h sáng, các công nhân đã có mặt tại Nhà thi đấu của TP Biên Hoà, Đồng Nai. Nhiều người trong số họ vừa mới tan ca đêm đã vội vã đi đến nơi gặp mặt. Họ ăn vội bữa sáng ngay trong lúc chờ đợi. Vui và vinh dự là những từ được nhắc đến nhiều nhất trong buổi sáng 30/4 này.
Vừa làm xong ca ba từ 10h tối đến 6h sáng, chị Lê Thị Hạnh đã có mặt ở Nhà thi đấu. Gương mặt không dấu nổi sự mệt mỏi sau một đêm thức trắng nhưng chị nói hiếm hoi lắm, công nhân mới có một ngày vui nên tranh thủ đến thật sớm để tham gia. Vừa ăn chiếc bánh mì mua vội ngoài cổng, chị bày tỏ: Ao ước của tôi trong cuộc gặp là Thủ tướng quan tâm hơn đến đời sống của công nhân cũng như con cái của chúng tôi.
Chị Hạnh đã làm công nhân 11 năm trời, nhưng tiền lương tháng nào tiêu tháng đó, “làm hoài mà không có dư”. Chồng chị Hạnh qua đời cách đây nhiều năm, chị thường xuyên phải làm ca đêm để tăng thu nhập. Lo lắng mà người nữ công nhân này muốn bày tỏ với Thủ tướng đó là: Chỉ mong có chính sách làm thế nào để đảm bảo khi còn sức khoẻ thì công ty còn cho mình làm. Giờ tôi nhiều tuổi rồi, chỉ sợ không có việc thì không biết làm gì mà sống.
Anh Bùi Phương Tú, công nhân công ty Changshin của Hàn Quốc, hồ hởi nói: "Tôi vui lắm, vì xưa giờ chỉ gặp Thủ tướng trên truyền hình chứ có thấy ở ngoài đâu. Đây là lần đầu tiên đó". Làm việc ở Đồng Nai được 5 năm, người công nhân này ấp ủ mong ước tiết kiệm một khoản tiền nhỏ để về quê Đồng Tháp lập nghiệp.
Nhiều công nhân bày tỏ niềm vui và hy vọng sau cuộc đối thoại với Thủ tướng. Ảnh: Ngọc An. |
Anh Huỳnh Văn Lợi, công nhân tại TP Biên Hoà, chia sẻ ước mong Thủ tướng quan tâm nhiều hơn để con em công nhân có chỗ để học hành. “Hai vợ chồng tôi là công nhân khu công nghiệp mà giờ một người phải nghỉ để đưa đón con đi học. Con công nhân không có hộ khẩu thường trú nên xin học rất khó. Mà đầu năm nay, cháu phải học ca giữa trưa từ 10h đến 13h chiều cực lắm. Nắng nóng như thế này, đứa nào học nổi vào giữa trưa, rồi còn ăn uống thất thường, bệnh tật liên miên”.
Chuyện trường học cho con không phải là tâm tư của một mình anh Lợi, nhiều công nhân có con đang độ tuổi đi học cũng bày tỏ lo lắng. “Không có tiền để gửi nhà trẻ tốt, tụi tôi gửi con nhà trẻ tư để đi làm mà lòng như lửa đốt. Chiều nào cũng về kiểm tra khắp người coi con có ngã không, có bị đánh không, có ăn uống được không”, một nữ công nhân chia sẻ.
Nhận xét về cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân, chị Trần Thị Ánh Nguyệt, Công ty Nissen Electric của Nhật Bản, cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp được những câu hỏi thực tiễn của công nhân như nhà ở, nhà trẻ cho con cái, an toàn thực phẩm.
“Thủ tướng nói lạm phát chỉ ở mức 0,63% tuy nhiên nhà trọ thì tăng cao hơn cả mức lạm phát. Lương tăng bao nhiêu thì giá nhà trọ tăng theo bấy nhiêu nên công nhân rất vất vả. Hay vấn đề nhà ở cho trẻ em cũng vậy, không có nhà trẻ cho con em công nhân nên chúng tôi phải gửi nhà trẻ tư rất nguy hiểm. Do vậy, tôi kỳ vọng sau cuộc gặp này, nhiều kiến nghị của công nhân được đáp ứng”, chị Ánh Nguyệt nói.