Sáng 6/8, Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em. Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề ngoài những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em được thống kê, còn bao nhiêu trường hợp khác chưa được phát hiện? Còn bao nhiêu hành vi, cách ứng xử với trẻ em được coi là "bình thường' nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em?
Ông lưu ý tránh để con số đánh lạc hướng, bởi đó chỉ là vế nhỏ nỗi bức xúc của xã hội.
720 vụ xâm hại tình dục trong 6 tháng đầu năm
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà thông tin mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó số vụ xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.
Theo Bộ LĐTB&XH, gần 60% số trẻ bị xâm hại bởi chính người quen, hàng xóm. Ảnh: Trà My. |
Theo bà, hơn 21% trẻ em bị người thân trong gia đình xâm hại tình dục; 6,2% là từ giáo viên, nhân viên nhà trường. Bên cạnh đó, gần 60% số trẻ bị chính người quen, hàng xóm xâm hại và 12,6% là từ các đối tượng khác.
Theo ông Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ, trong đó xâm hại tình dục trẻ em gồm 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Bộ LĐTB&XH đánh giá các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ nhỏ tuổi.
Trên thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Đồ hoạ: Lee Mew. |
Bà Lê Thị Thu Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nhấn mạnh vấn nạn xâm hại trẻ em ngày càng nhức nhối. “Các cơ quan, bộ ngành cần đánh giá chính xác tình hình, số liệu báo cáo phản ánh các vụ xâm hại trẻ em giảm, song dư luận còn khá nhiều băn khoăn”, bà Nga nêu rõ.
'Bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ hàng ngày'
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội chăm sóc, bảo vệ, nghiêm cấm các hành vi làm hại, bỏ mặc trẻ em. Bất kỳ ai xâm hại trẻ em là vi phạm Hiến pháp, đạo đức truyền thống dân tộc.
"Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em chưa được chú trọng. Nhiều vụ việc xâm hại còn kéo dài và xử lý chưa nghiêm", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh cần coi bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ hàng ngày của các bộ ngành, địa phương, trường học và gia đình. “Các cơ quan chức năng cứ lo họp chuyện này chuyện kia suốt, còn các vấn đề trẻ em thì không nhắc tới, coi đó là chuyện con nít”, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em chưa được chú trọng. Nhiều vụ việc xâm hại còn kéo dài và xử lý chưa nghiêm. Ảnh: Mỹ Hà. |
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, gia đình, cha mẹ chưa dành nhiều thời gian cho con em, hình ảnh đoàn tụ bữa cơm gia đình không còn thường xuyên. "Quan tâm, chăm sóc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước, bền vững lâu dài", Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần phối hợp đảm bảo quyền của trẻ em, tiếp tục giám sát, phản biện xã hội cùng chung tay giải quyết các vấn đề trẻ em đặc biệt xâm hại, bạo lực trẻ em.