Chiều 19/8, Thủ tướng có Công điện gửi lãnh đạo các Bộ ngành và các địa phương về việc chủ động đối phó với mưa lũ sau bão số 3.
Công điện nêu: bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền nước ta, gây gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, mưa lớn tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình với tổng lượng mưa trên 100 mm.
Dự báo, hôm nay và ngày mai, tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, trung du và miền núi phía Bắc sẽ có mưa to với lượng mưa phổ biến từ 200 – 300 mm, một số nơi có thể lớn hơn.
Nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại đồng bằng và đô thị, lũ quét, nhất là lũ ống, sạt lở đất tại trung du, vùng núi, đặc biệt tại các khu vực đã xảy ra mưa lớn trong những ngày vừa qua.
Mưa lớn khiến nhiều cây cổ thụ ở Hà Nội trốc gốc, ngã đỗ. Ảnh: Đồng Mạnh Hùng. |
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các từ Nghệ An đến khu vực miền núi phía Bắc phải đảm bảo thông tin kịp thời về tình hình mưa, lũ để người dân chủ động phòng, tránh. Lực lượng chức năng các tỉnh, thành phải dừng tất cả các cuộc họp không thực sự cấp bách, tập trung chỉ đạo, triển khai ngay việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng người dân.
Các địa phương phải bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân.
Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; có phương án bảo vệ hỗ trợ người dân, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn gây ngập úng, cô lập.
Người dân nam Định phòng chống cơn bão số 3 trưa 19/8. Ảnh: Việt Hùng. |
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thuộc vùng Bắc Bộ phải tăng cường chỉ đạo kiểm tra, khắc phục hậu quả mưa bão. Huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa bị thiệt hại, khẩn trương triển khai công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm giao thông và sinh hoạt của người dân.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm giao thông trên các tuyến đường chính. Bộ phải chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan có phương án cụ thể bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn hệ thống lưới điện. Tập trung khắc phục ngay các sự cố đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nhất là nguồn điện phục vụ bơm tiêu chống ngập.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ. Phải cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó", công điện nêu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát phương án bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với mưa lũ khi có yêu cầu. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.