Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp Tổng thống Philippines Aquino. Ảnh: Inquirer |
Theo RFI, tranh chấp trên biển giữa Philippines - Trung Quốc tiếp tục chiếm vị trí cao trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 20/9 tại thủ đô Berlin. Đây là chặng cuối cùng trong chuyến công du 4 nước châu Âu của ông Aquino, sau Madrid, Brussels và Paris.
Tương tự các lãnh đạo khác của Liên minh châu Âu (EU), Tây Ban Nha và Pháp, bà Merkel tuyên bố ủng hộ lập trường của Manila, theo đó nên giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình trước tòa án quốc tế.
Theo báo chí Philippines, phát biểu trong một cuộc họp báo chung tại Berlin ngay sau khi Tổng thống Philippines đến Đức, bà Merkel đã kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Philippines và các bên khác thông qua các cơ chế đã được luật pháp quốc tế quy định.
Khi được hỏi về khả năng nước Đức có thể làm gì để giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, bà Merkel nhấn mạnh hiện thế giới đang có các định chế quốc tế để giải quyết vấn đề này. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Đức cho rằng "một cách tiếp cận hòa bình và ngoại giao luôn luôn là phương thức được ưu tiên… Đó là con đường mà chúng ta cần phải lựa chọn".
Về phần mình, Tổng thống Aquino cho biết ông và bà Merkel "chia sẻ niềm tin" là tranh chấp "phải được giải quyết một cách hòa bình và phải dựa trên luật pháp quốc tế".
Trước Đức, Tổng thống Philippines cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của EU, Tây Ban Nha và Pháp trong vấn đề Biển Đông. Từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho đến Tổng thống Pháp Francois Hollande, tất cả đều cho rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ngày 20/9, Tổng thống Philippines Aquino rời Berlin để tới Mỹ.