Thủ tướng Đức Angela Merkel đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: AFP |
Ngày 24/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm Cộng hòa Liên bang Đức. Trong khuôn khổ các cuộc hội đàm với Tổng thống Joachim Gauck và Thủ tướng Angela Merkel, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Đức đã bàn về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có tình hình Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông
Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).
Trước đó, Tổng thống Gauck cũng bày tỏ lo ngại về tình hình gia tăng các hoạt động tôn tạo bãi đá, gây bất ổn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn và kết nối thông thương giữa châu Âu và châu Á.
Tổng thống Đức cho rằng tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, và các bên cần tìm kiếm mọi biện pháp giải quyết, trong đó có kênh đa phương nhằm duy trì tự do hàng hải, hàng không và bảo đảm an toàn, an ninh khu vực.
Đáp lại tuyên bố của các nhà lãnh đạo Đức, Chủ tịch nước đánh giá cao lập trường của Berlin về vấn đề Biển Đông và đề nghị Đức tiếp tục có tiếng nói tích cực trong khối G7 và EU, ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.
Các vấn đề trong và ngoài khu vực
Trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước và tổng thống Đức, hai nhà Lãnh đạo cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN – EU; nhất trí tăng cường tham vấn, hợp tác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh biển.
Việt Nam nhất trí ủng hộ Đức tăng cường quan hệ với ASEAN và ngược lại, Đức nhất trí ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, trong đó có việc thúc đẩy sớm ký chính thức Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và EU công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đức tại Liên hợp quốc và ủng hộ Đức trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này mở rộng thành viên.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Đức, hai nhà Lãnh đạo cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU.
Thủ tướng Đức khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU, trong đó có việc thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và EU công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với EU và Đức.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Đức cũng điểm lại những thành tựu hợp tác mà hai nước đã đạt được sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong cuộc họp báo diễn ra sau hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổng thống Đức đã thông báo với báo chí hai nước về những điểm nổi bật đã được hai Lãnh đạo thống nhất trong hội đàm, khẳng định mong muốn đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.