Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ZDF vào hôm 2/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề cập tới việc tổng thống nước này không được Ukraine hoan nghênh tới thăm.
Đó không phải là cách đối xử chấp nhận được với tổng thống của “một quốc gia cung cấp rất nhiều hỗ trợ quân sự, rất nhiều hỗ trợ tài chính, điều cần thiết khi nói đến các đảm bảo an ninh quan trọng đối với Ukraine trong tương lai”, ông Scholz lập luận.
“Tổng thống của Cộng hòa Liên bang Đức không được mời tới, đó chính là vấn đề cản trở”, Politico dẫn lời thủ tướng Đức nói tới khả năng thực hiện chuyến đi đến Kyiv.
Trước đó, trong chuyến công du tới Warsaw, Ba Lan vào giữa tháng 4, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nói rằng ông không được chào đón ở Ukraine. Điều này được cho là do Kyiv cáo buộc ông có quan hệ thân thiết với Điện Kremlin.
Berlin không hài lòng trước động thái này của Ukraine. AFP gọi việc bị khước từ là sự cố ngoại giao không mấy dễ chịu với giới cầm quyền Đức.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP. |
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Scholz không muốn loại trừ khả năng ngồi lại với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào cuối năm nay.
“Khi tới thời điểm đó, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định”, ông nói, nhấn mạnh “đó là câu hỏi về cấu trúc hợp tác quốc tế, trong đó điều rất quan trọng là chúng tôi không quên những nước mà chúng tôi muốn thiết lập quan hệ với tư cách là đối tác liên minh”.
Ông Scholz cũng được hỏi về sự "thiếu sót" của chính phủ ông trong tốc độ chuyển giao vũ khí đến Ukraine. Ông khẳng định “sự hỗ trợ mà chúng tôi cung cấp đã góp phần giúp quân đội Ukraine có thể phòng thủ khá lâu trước một đối thủ áp đảo. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ”.
Trước sức ép yêu cầu chuyển giao khí tài cho Ukraine, hôm 26/4, bộ trưởng Quốc phòng Đức chính thức tuyên bố sẽ gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Đây là sự thay đổi trong chính sách của Berlin, khi nước này trước đây chỉ chuyển giao cho Kyiv vũ khí hạng nhẹ và các trang thiết bị hỗ trợ chiến đấu.