Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng đồng ý tăng mức hỗ trợ lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Trong gần 1 tháng, 4.200 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi đã bị tiêu hủy tại 7 tỉnh thành. Cơ quan chức năng đang triển khai khẩn cấp công tác phòng, chống dịch.

Sáng 4/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cùng dự hội nghị có Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng NN&PTNT, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Theo đó, tình hình lây lan dịch tả lợn châu Phi đang có những diễn biến phức tạp. Trong vòng một tháng, 202 hộ ở 7 tỉnh thành báo cáo có dịch, hơn 4.200 con lợn đã bị tiêu hủy ngay khi có kết quả dương tính với dịch bệnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phòng chống dịch bệnh này không chỉ là việc của Cục Thú y. "Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm nếu để dịch bùng phát và lây lan diện rộng" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho phép tăng mức giá hỗ trợ

Hiện, mức hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định là 38.000 đồng/kg, thấp hơn với giá thị trường. Theo đó, Bộ Nông nghiệp cũng có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái. 

Đề xuất này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua trong Hội nghị trực tuyến sáng nay. 

Trước đó, để ngăn chặn dịch bệnh có khả năng lây nhiễm từ bên ngoài, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan Thú y lấy trên 6.000 mẫu xét nghiệm bệnh dịch đối với các loại lợn, nhằm kiểm soát dịch chặt chẽ.

dich ta lon chau Phi anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong Hội nghị trực tuyến sáng 4/3. Ảnh: VGP. 

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng vừa ra công văn cảnh báo công dân về việc mang lợn nhập cảnh vào Đài Loan. Cục Kiểm dịch và phòng dịch động thực vật thuộc Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan đã ra cảnh báo về mức phạt đối với các du khách xuất cảnh từ Việt Nam khi nhập cảnh Đài Loan.

Nếu bị phát hiện mang theo thịt lợn, các du khách sẽ bị phạt hành chính lần đầu là 140 triệu đồng; lần 2 mức phạt sẽ nâng lên 700 triệu đồng. Trong trường hợp không đủ tiền phạt, du khách Việt Nam sẽ bị cơ quan di trú Đài Loan từ chối cho phép nhập cảnh.

Khả năng dịch bệnh lây lan từ biên giới

Theo công văn của Bộ Nông nghiệp, dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào nước ta khả năng do lây qua đường biên giới.

Việt Nam có chung đường biên giới với chiều dài 1.000 km, có nhiều cửa khẩu và hàng trăm đường mòn, lối mở với các hoạt động của cư dân biên giới. Việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp Tết vừa qua có thể là nguyên nhân.

Bên cạnh đó, việc chăn nuôi ở nước ta hiện nay phần lớn là nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao. Các hộ chăn nuôi chưa có ý thức vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn nuôi sạch sẽ, virus bệnh dễ xâm nhập. 

Tính đến ngày 3/3, hơn 4.200 con lợn nhiễm bệnh tại 7 tỉnh thành, tổng khối lượng bị tiêu hủy là gần 300 tấn. Địa phương có số lợn nhiễm dịch nhiều nhất là Hưng Yên với 57 ổ dịch được phát hiện, 2.323 con lợn đã được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

dich ta lon chau Phi anh 2
Số ổ dịch lợn tả châu Phi được phát hiện và số lợn bị tiêu hủy tại các tỉnh, thành phố. Biểu đồ: Mỹ Hà. 

Ngày 19/2, tỉnh Hưng Yên và Thái Bình công bố phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, gần 300 con lợn bị tiêu hủy. Đến ngày 28/2, dịch lan rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh và lan nhanh đến các địa phương tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam.

Ngày 3/3, Hải Dương là tỉnh thứ 7 công bố có ổ dịch tả lợn châu Phi 107 con trong 3 hộ chăn nuôi. 

Không gây bệnh trên người

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra. Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn.

"Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Bệnh dịch lợn tả châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Lợn bị bệnh có biểu hiện là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết đồng loạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Hiện nay, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% vì chưa có thuốc chữa.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ DTLCP xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Xuất hiện dịch tả lợn Châu phi tại Hải Dương

UBND huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại một hộ chăn nuôi ở xã Hiến Thành, tiêu huỷ gần 110 con lợn bệnh.





Mỹ Hà - Huệ Nguyễn

Bạn có thể quan tâm