Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã tới dâng hương tưởng nhớ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã từ trần.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, nhà cách mạng đã tham gia hoạt động thanh niên cộng sản từ năm 1930 và chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam - Đà Nẵng vào tháng 3/1945.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. |
Trên cương vị Phó thủ tướng, rồi Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1976 đến 1986 và Trưởng tiểu ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí là người đề xuất dùng danh từ "Đổi mới" để làm chủ đề xây dựng nội dung đổi mới cơ chế quản lý, phát triển các thành phần kinh tế từ đầu những năm 80.
Sau Ðại hội VI, ông giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp chỉ đạo việc xây dựng bản Hiến pháp của thời kỳ Đổi mới.
Tới dâng hương Tổng bí thư của Đảng từ năm 1986 đến năm 1991 - Nguyễn Văn Linh - Thủ tướng nhắc lại những đóng góp to lớn của ông, một trong những nhà lãnh đạo đã đi đầu trong xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, mở ra công cuộc Đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử - để sau 35 năm, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ân cần thăm hỏi phu nhân Ngô Thị Huệ, lão thành cách mạng, năm nay 103 tuổi, vừa được trao tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Trên cương vị chủ tịch nước từ năm 1992-1997, ông đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tưởng nhớ ông Phạm Hùng, đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ năm 1930.
Giữ trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ tháng 6/1987 đến tháng 3/1988, ông là vị Thủ tướng thứ ba của Việt Nam sau Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng thời là vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên của thời kỳ đổi mới và là người rất quan tâm đến đổi mới hoạt động hành pháp của Chính phủ, nhằm xây dựng một Chính phủ năng động, vững mạnh.
Tới dâng hương tưởng nhớ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, quyết đoán, ông đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ từ năm 1991 đến năm 1997, ông đã có tầm nhìn tầm chiến lược về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ nhiệm kỳ này đang tiếp tục theo đuổi bằng Nghị quyết 120 và đẩy mạnh phát triển giao thông, để vùng đồng bằng giàu tiềm năng, không gian sinh sống của hơn 20 triệu người này phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn.
Tới dâng hương tưởng nhớ Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong gần 9 năm đảm nhận cương vị người đứng đầu Chính phủ từ năm 1997 đến năm 2006, ông Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong đổi mới thể chế pháp luật và hội nhập của đất nước.
Dấu ấn quan trọng nhất của Chính phủ giai đoạn này là sự ra đời của Luật doanh nghiệp năm 1999, được đánh giá là bước tiến làm thay đổi đất nước, xóa bỏ những rào cản đối với quyền tự do kinh doanh của người dân, mở đường cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tìm được chỗ đứng xứng đáng trong nền kinh tế.
Thủ tướng cũng tới thăm Nhà lưu niệm và dâng hương tưởng nhớ luật sư Nguyễn Hữu Thọ, quyền Chủ tịch nước từ tháng 4/1980 đến tháng 7/1981; Chủ tịch Quốc hội từ năm 1981 đến năm 1987.
Ông cũng từng là Chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Phó chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Đến năm 1988, ông là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.