Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Con ông này bà kia' vào đảng ủy thì không có nhân tố mới

Sau phát biểu của Chủ tịch tỉnh Hưng Yên về công tác cán bộ cơ sở, Thủ tướng cho rằng nếu cứ nhét "con ông này bà kia" vào thì làm sao có nhân tố mới trong công tác cán bộ cơ sở.

Ngày 3/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức phiên họp trực tuyến với các lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để thảo luận tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng qua và các giải pháp cho nửa cuối năm nay.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của phiên họp, Thủ tướng lưu ý bên cạnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước 6 tháng đầu năm 2017 sẽ đưa ra các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ 2017 đã đề ra.

'Tỉnh này làm được, còn tỉnh kia thì không?'

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đề xuất một số kiến nghị về bộ máy cơ sở. Theo ông Phóng số người đang hưởng lương và phụ cấp thì nhiều, nhưng chưa mạnh. Trong khi cơ sở là nơi tổ chức triển khai thực hiện thì chất lượng chưa cao vì vậy cần một giải pháp đồng bộ, lâu dài.

"Đối với công tác cán bộ cơ sở, Hưng Yên đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh tiếp tục thu hút công chức về làm việc ở xã. Tiêu chuẩn là sinh viên chính quy có sức lao động thay thế 100% công chức đến năm 2021 về hưu", Chủ tịch tỉnh Hưng Yên nói.

Hop truc tuyen anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VPG.

Thủ tướng nhìn nhận Hưng Yên có nhiều sáng kiến mới, vì vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều việc làm được như thu hút đầu tư, cắt giảm 30% thủ tục, thành lập doanh nghiệp trong 1 ngày, giải quyết đất đai trong vòng 5 ngày. "Các tỉnh có làm được như vậy không?", Thủ tướng nói.

Về công tác cán bộ cơ sở, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cách làm của Hưng Yên khi đưa sinh viên chính quy đi đào tạo để bổ sung vào hàng ngũ cán bộ chủ chốt của xã. "Cứ nhét 'con ông này bà kia' vào đảng ủy xã thì còn ai làm nhân tố mới?", Thủ tướng đặt câu hỏi và đề nghị các tỉnh nghiên cứu cách làm của Hưng Yên. 

Tại Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày trước phiên họp với 63 tỉnh thành cả nước nêu một hạn chế về vấn đề tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

“Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, thậm chí còn yếu, nhất là năng lực phát hiện, tham mưu giải quyết vấn đề. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm, có lúc, có nơi còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Đang xem xét xử lý một số phóng viên liên quan vụ Lê Duy Phong

Báo cáo tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều nay, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian qua, Bộ đã tăng cường triển khai luật Báo chí cũng như quy hoạch báo chí của các bộ, ngành, địa phương.

“Vừa qua, chúng tôi quyết liệt phối hợp với các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh các văn phòng đại diện, thường trú tại một số nơi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, phát hiện một số sai phạm, yêu cầu báo cáo và có biện pháp xử lý”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh: “Mới đây nhất chúng tôi đã thu thẻ phóng viên Lê Duy Phong, báo Giáo dục Việt Nam”. Ông Trương Minh Tuấn cho biết đang phối hợp với Bộ Công an tiếp tục xem xét xử lý một số phóng viên liên quan trong vụ này. Ông cũng nêu hiện tượng các phóng viên liên kết với nhau thành nhóm dọa nạt doanh nghiệp

“Sáng đăng bài, trưa bắt đầu mời đi nhậu gặp gỡ người ta nhận phong bì, chiều về gỡ bài. Cứ như thế có tình trạng sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ rồi thành lập những nhóm 'đánh hội đồng'", Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông nói. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh liên quan đến vụ việc ở Yên Bái, có 2 vấn đề. Việc cán bộ địa phương sai (nếu có), phải kết luận, xem xét kỷ luật, nhưng cũng phải xử nghiêm việc nhà báo tiêu cực, nhũng nhiễu.

“Kéo nhau hàng mấy ôtô đi để làm việc này việc kia, uy hiếp, doạ dẫm... Cần chấn chỉnh, không để loạn việc này. Tôi đề nghị phải tăng cường quản lý nhà nước, nhất là Bộ Thông tin & Truyền thông xử lý nghiêm, yêu cầu cơ quan chủ quản có trách nhiệm xử lý nghiêm tổng biên tập, phóng viên, điển hình là vụ Yên Bái”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng, vụ Yên Bái có 2 việc, cán bộ sai thì phải điều tra, thanh tra, kết luận, xử lý.

“Tôi nhắc Tổng Thanh tra Chính phủ phải kết luận cho được vụ giám đốc Sở để dư luận xấu như thế. Anh làm hình ảnh như vậy rất xấu cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước. Việc báo tiêu cực, tham nhũng, hối lộ như vậy phải xử lý, phải rõ ràng hơn”, Thủ tướng chỉ đạo.

'Bổ nhiệm cán bộ kiểu cả nhà làm quan, không có cửa cho người tài'

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng việc bổ nhiệm cán bộ kiểu người nhà làm quan khiến người tài không có "cửa" vào bộ máy.

Công Khanh - Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm