Chiều 25/5, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lo lắng khi chất lượng cán bộ ngày càng có vấn đề.
"Đồ đệ" đã thay "trí tuệ"
“Nếu trước đây người dân thường phản ánh thực trạng bổ nhiệm cán bộ theo kiểu: Thứ nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ và thứ tư là trí tuệ, thì giờ đây người ta lại nói là 'đồ đệ' đã thay trí tuệ ở vị trí thứ tư nên người tài không còn cửa vào bộ máy Nhà nước”, ông Vân nêu.
Đại biểu Vân cũng cho rằng phải làm sao khống chế được tham nhũng trong công tác cán bộ. "Tôi rất tiếc trong Bộ luật Hình sự vừa qua thiếu chế tài trong công tác cán bộ. Từ việc giới thiệu đề cứ tiến cử đến thẩm định hồ sơ, rồi bổ nhiệm, nếu sai phạm làm trái phải trừng trị bằng luật hình sự, để những ai thấy chỉ giới đỏ mà sợ không dám làm liều", đại biểu Cà Mau nhấn mạnh.
Chất lượng bộ máy dù đã được thực hiện cải cách nhiều nhưng nhìn chung vẫn còn quá cồng kềnh. “Vừa rồi, có người nói 50% cán bộ, công chức là ngồi chơi xơi nước. Trong khi đó, bộ máy của chúng ta cứ bóp trên thì lại phình dưới, rất bất cập”, ông Vân nói.
Theo ông Vân, chức năng nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành vẫn chồng lấn. Ví dụ như việc dự báo tăng trưởng không chỉ Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn có cả Bộ Tài chính.
“Tôi đánh giá cao việc Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm sáp nhập Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Một đất nước không thể duy trì hai ông này riêng rẽ mà phải sáp nhập lại với nhau mới phù hợp”, ông Vân nói.
Trao đổi lại với đại biểu Vân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng vấn đề kỷ luật hành chính và phân cấp phân quyền là 2 vấn đề mấu chốt trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như giữa Trung ương với địa phương.
Việc phân cấp phân quyền hiện nay còn quá nhiều vấn đề. Ví dụ như ngành nội vụ tuyển dụng không qua thi tuyển một công chức, một phòng ở cấp huyện phải lên Bộ trưởng Nội vụ, trong khi chủ tịch UBND tỉnh được giao bổ nhiệm đến giám đốc sở, không qua Bộ Nội vụ.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, có những việc rất nhỏ nhưng chúng ta làm quy trình thủ tục quá rườm ra, phức tạp. Vì vậy, ông đề nghị một công việc không quá 2 cấp chịu trách nhiệm, tức là một cấp thực hiện, một cấp kiểm tra giám sát.
"Đừng giảm chỗ tôi"
Nói về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Tân cho biết cứ 6 tháng địa phương tổng hợp báo cáo lên Bộ, Bộ thẩm tra, sau khi có thẩm định Bộ Tài chính căn cứ vào đó cấp kinh phí.
“Nhiều lần tôi nói với các địa phương là tôi xin ý kiến giao cho địa phương làm luôn. Bộ chỉ làm hậu kiểm nhưng chúng ta làm quá nhiều cấp thẩm tra, thẩm định như thế kéo dài thời gian, bộ máy rờm rà”, ông Tân cho hay.
Ông cho biết thêm nhiệm vụ của Chính phủ, bộ ngành chỉ xây dựng thể chế, xây dựng chiến lược quy hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát. “Còn Chính phủ mà lại xuống địa phương xem thừa bao nhiêu cấp phó thì đúng là không phù hợp”, Bộ trưởng Nội vụ lưu ý.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quochoi.vn |
Ông cho rằng phân cấp để ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm, chứ không phải khi làm sai lôi hết cơ quan này, cơ quan kia ra chịu. Cùng với đó, người đứng đầu làm sai thì phải chịu trách nhiệm chứ không đổ thừa.
Phân tích về câu chuyện tinh giản biên chế, Bộ trưởng Tân cho rằng cần nhìn gốc của nó từ luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định số lượng cấp phó và nghị quyết của Quốc hội xếp loại đơn vị hành chính có liên quan mật thiết nhau. Xếp loại đơn vị hành chính cao hơn thì số lượng cấp phó nhiều hơn.
“Tôi thấy bây giờ nhiều việc của các sở đều đẩy lên chủ tịch, phó chủ tịch hết. Bởi cấp cấp phó giảm đi, vì cấp trưởng thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ là thành viên ủy ban, tự xử lý và chịu trách nhiệm về chuyên môn của mình, còn cấp phó chỉ giải quyết liên ngành”, Bộ trưởng Nội vụ nói.
Ông cũng cho rằng nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức thì không tinh giản được. Về thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, Bộ trưởng Nội vụ kể trong quá trình làm việc với các địa phương có nhiều ý kiến khác nhau: “Tức là giảm đâu giảm, đừng giảm chỗ tôi, xếp đâu xếp đừng xếp chỗ tôi”.