Nội dung chỉ đạo này nằm trong Công điện được Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành về giải pháp quản lý thị trường vàng.
Cụ thể, Thủ tướng đánh giá chỉ trong thời gian ngắn, thị trường đã chứng kiến giá vàng biến động mạnh. Hôm 26/8, giá vàng miếng lập đỉnh 80,3 triệu đồng/lượng, mức cao chưa từng có. Chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với thế giới liên tục tăng những ngày gần đây, dao động 18-20 triệu đồng/lượng.
Tại Công điện, Thủ tướng nhìn nhận giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Do đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để chênh lệch giá trong nước và quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô. Kết quả báo cáo Chính phủ trong tháng 1/2024.
Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của thế giới và trong nước nhằm bình ổn thị trường. "Dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia".
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối...; xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân... Trường hợp có vi phạm, Thủ tướng yêu cầu chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm .
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát chính sách, đánh giá tình hình thị trường vàng trong nước, bao gồm sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... Đây là cơ sở đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.
Giá vàng trong nước tăng mạnh được lý giải trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức thấp và nhu cầu tích trữ, đầu tư của người dân tăng. Dù vậy một số chuyên gia cũng cho rằng, chính sách độc quyền vàng theo Nghị định 24 gây thiếu nguồn cung, khiến thị trường tăng nóng và chênh lệch khoảng cách với giá thế giới nới rộng ra. Việc SJC là thương hiệu vàng quốc gia, độc quyền kinh doanh vàng miếng dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành.
Đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức...
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...
Cổ đông Kido sắp nhận 'quà' gần 1.700 tỷ đồng
Kido sẽ chi trả cổ tức tiền mặt và chia hàng chục triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông trong quý đầu năm sau.
Lãi suất thấp kỷ lục, nhộn nhịp người tìm mua sổ tiết kiệm lãi cao
Lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục giảm mạnh khiến không ít người quan tâm tới việc mua bán lại sổ tiết kiệm có lãi suất cao.
Vàng miếng SJC lấy lại mốc 80 triệu đồng/lượng
Hưởng lợi từ đà tăng mạnh của giá vàng thế giới, vàng miếng SJC đã hồi phục mốc quan trọng 80 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch sáng nay (28/12).