Ngày 15/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện gửi các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương để đôn đốc tiến độ triển khai thu phí tự động.
Hình thức thu phí tự động được kỳ vọng giúp minh bạch doanh thu tại các trạm BOT. Ảnh: Việt Tường. |
Công điện nêu rõ các trạm BOT không chuyển sang thu phí tự động theo chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị 06/CT-TTg sẽ bị dừng hoạt động.
Theo chỉ thị 06, nhà đầu tư BOT phải sửa đổi hợp đồng dự án phục vụ việc chuyển sang thu phí tự động. Ký kết hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để vận hành và kết nối đồng bộ với hệ thống.
Mặc dù nảy sinh một số bất đồng giữa Tổng cục Đường bộ và nhà đầu tư khiến tiến độ triển khai thu phí không dừng có nguy cơ bị chậm, Thủ tướng vẫn giữ nguyên hạn chót là 31/12/2019 phải chuyển sang thu phí tự động tại tất cả trạm thu phí trên toàn quốc.
Những người đứng đầu gồm Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tiến độ chuyển sang thu phí tự động, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/11.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải đảm bảo hệ thống thu phí tự động không dừng hoạt động tin cậy, không có sự cố, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn.
Sau khi triển khai xong hệ thống này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rà soát, đánh giá và có báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng trong tháng 1/2020.
Trước đó, trong một nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động, Tổng cục Đường bộ đã ra thông báo yêu cầu 4 dự án BOT trên quốc lộ 1, quốc lộ 14 tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ kể từ 18h ngày 10/7 cho đến khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động.
Thông báo này lập tức vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp BOT, đại diện là Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI).
Các doanh nghiệp cho biết đã ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng với Bộ GTVT từ năm 2017, trong đó doanh nghiệp đồng thuận trích một phần tỷ lệ doanh thu của BOT cho nhà cung cấp dịch vụ VETC.
Khi Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp BOT ký bổ sung phụ lục hợp đồng với nội dung tăng tỷ lệ doanh thu trích lại cho VETC, một số doanh nghiệp không đồng ý vì cho rằng việc này phải thông qua đàm phán chứ không được áp đặt.