Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Chậm nhất 30/9 Kiên Giang, Tiền Giang phải kiểm soát dịch

Đặt ra mốc thời gian cuối tháng 9 để kiểm soát dịch, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang nêu rõ thời gian kết thúc giãn cách xã hội.

Ngày 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19) đã làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng, chống dịch với tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang - nơi tình hình dịch có nhiều diễn biến đáng lo ngại. Đây là hai địa phương có nhiều xã, phường, thị trấn chuyển từ “xanh”, “cam” thành “đỏ”.

Tổ chức thực hiện lúng túng

Tại cuộc họp, Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi với lãnh đạo các tỉnh và một số phường tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) và Mỹ Tho (Tiền Giang).

Thứ nhất, số ca mắc trong cộng đồng tuần qua so với tuần trước, ngày hôm sau so với hôm trước tăng hay giảm. Thứ hai, chu kỳ xét nghiệm là bao nhiêu ngày. Theo Thủ tướng, điều này rất quan trọng vì tốc độ xét nghiệm mà chậm hơn tốc độ lây lan thì không ngăn chặn được dịch.

Thứ ba, những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã triển khai trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn theo các công điện của Thủ tướng hay chưa.

Thu tuong yeu cau kiem soat dich truoc 30/9 anh 1

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thừa nhận còn những hạn chế trong phòng chống dịch, nhất là trong thực hiện biện pháp giãn cách xã hội chưa nghiêm túc, “chặt ngoài nhưng lỏng trong”. Ảnh: VGP.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thừa nhận còn những hạn chế về phòng, chống dịch, nhất là các biện pháp giãn cách xã hội thực hiện chưa nghiêm túc, “chặt ngoài nhưng lỏng trong”. Ông Bình cho biết tỉnh mới chỉ triển khai các tổ y tế, chưa lập trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn; việc trả kết quả xét nghiệm PCR có lúc chậm.

Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo địa phương phải nắm rất chắc số liệu để chỉ huy phòng chống dịch hiệu quả. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không phải chi hàng triệu đồng chống dịch, chưa kể mất mát về con người và nhiều thứ khác nữa”, Thủ tướng lưu ý.

Với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, ngoài các câu hỏi nêu trên, Thủ tướng hỏi kỹ về số ca tử vong trên địa bàn. Ông Vĩnh nêu một số lý do khiến có nhiều ca tử vong, như số bệnh nhân chuyển nặng chiếm tỷ lệ lớn, trong khi số lượng máy thở hạn chế, đặc biệt là khi chưa hoàn thiện được bệnh viện dã chiến và Trung tâm Hồi sức Covid-19 (ICU).

Gần đây, sau khi các bệnh viện dã chiến và ICU đi vào hoạt động, công tác sàng lọc tại tầng 1 và tầng 2 tốt hơn, trang thiết bị và đội ngũ y tế đầy đủ hơn, số ca tử vong đã giảm.

Thủ tướng hỏi thêm “Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa?”

Nghe Chủ tịch tỉnh cho biết đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà, Thủ tướng nhấn mạnh: “Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau. Người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì mới có thể phân loại, điều trị ca bệnh sớm, giảm số ca tăng nặng, giảm tử vong. Nếu xã, phường, thị trấn nào cũng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì chắc chắn hệ thống y tế quá tải”.

Thu tuong yeu cau kiem soat dich truoc 30/9 anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chưa hài lòng khi lãnh đạo Kiên Giang, Tiền Giang chưa đưa ra được mục tiêu, giải pháp cụ thể. Ảnh: VGP.

Thủ tướng bày tỏ sự chưa hài lòng vì địa phương không đưa ra được mục tiêu, giải pháp cụ thể. Đây là nguyên nhân khiến giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu.

Qua kiểm tra, Thủ tướng nhận định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số nơi chưa nắm chắc, chưa quán triệt đầy đủ chủ trương, giải pháp; việc nắm tình hình và dự báo tình hình chưa sát; tổ chức thực hiện bị động, lúng túng, không chặt chẽ, chưa khoa học, chưa phù hợp diễn biến dịch bệnh tại địa phương; còn có bất cập trong quản lý cách ly, di chuyển, điều trị…

Nêu rõ thời gian kết thúc giãn cách xã hội

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá qua gần 2 tháng thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, Kiên Giang và Tiền Giang đã có rất nhiều cố gắng, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, kết quả chưa như mong muốn. Dự báo tình hình có thể phức tạp hơn.

Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và từng huyện, xã đang thực hiện giãn cách phải đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thời gian kết thúc giãn cách cùng tiêu chí cần đạt để kiểm soát dịch bệnh, giải pháp để đạt mục tiêu; đặc biệt, phải nêu biện pháp bảo vệ vùng xanh, phát triển kinh tế - xã hội tại những nơi an toàn.

“Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9”, Thủ tướng yêu cầu.

Thu tuong yeu cau kiem soat dich truoc 30/9 anh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9. Ảnh: VGP.

Ông lưu ý việc kiểm soát, ngăn chặn lây lan phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Mỗi địa phương có chiến lược xét nghiệm phù hợp tình hình; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của virus, nhanh chóng phát hiện, phong tỏa nguồn lây, phân loại, chăm sóc, điều trị F0 phù hợp, hiệu quả, tập trung điều trị ca bệnh nặng, có bệnh nền, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người có nguy cơ cao…

Với nơi giãn cách và tăng cường giãn cách, Thủ tướng yêu cầu xây dựng ngay trạm y tế lưu động để người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở. Những nơi chưa thực hiện giãn cách phải chuẩn bị sẵn sàng để triển khai ngay khi cần.

Đồng thời với việc chống dịch hiệu quả, lãnh đạo Chính phủ quán triệt chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng tình hình để trục lợi, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, y tế, sinh phẩm… Các cơ quan chức năng thấy có dấu hiệu sai phạm phải kịp thời phát hiện và vào cuộc kiểm tra, xử lý ngay.

Thủ tướng chê lãnh đạo Kiên Giang lơ mơ, không nắm số ca mắc cộng đồng Những câu trả lời bị động, chưa nắm chắc tình hình dịch của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và một số xã phường khiến Thủ tướng sốt ruột.

Lãnh đạo tỉnh ấp úng, Thủ tướng sốt ruột vì dịch 'từ xanh sang đỏ'

Là địa phương có dịch diễn biến phức tạp nhưng câu trả lời ấp úng và bị động của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang khiến Thủ tướng sốt ruột. Ông yêu cầu địa phương chấn chỉnh ngay.

Thủ tướng: Nâng cao năng lực để trở lại bình thường mới vào năm 2022

Để sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng giao Bộ Y tế hoàn thiện chiến lược tổng thể về phòng chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vaccine, xét nghiệm và điều trị.

Thủ tướng đồng ý thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc

Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong 6 tháng, tính từ tháng 10 năm nay.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm