Lorn Chenda, 26 tuổi và bạn trai Kong Chamroeun. Ảnh: Reuters |
Vì không có tiền bảo lãnh nên anh Kong Chamroeun, 28 tuổi, phải ngồi tù trong thời gian chờ hầu tòa về cáo buộc đánh cắp 80 USD tài sản của công ty. Tuy nhiên, gia đình Chamroeun đều khẳng định anh không phạm tội.
“Chúng tôi chẳng có gì ngoài 2 bàn tay trắng”, Lorn Chenda, bạn gái của Chamroeun cho hay. Cô còn cáo buộc cảnh sát “gạ” anh Chamroeun chi 2.000 USD tiền bồi thường để đổi lấy việc không bị truy tố.
10 ngày sau khi bạn trai bị tống giam và không biết cầu cứu ai, Chenda quyết định thử vận may. Cô dùng điện thoại thông minh để gửi video 5 phút nêu rõ âm mưu tống tiền của cảnh sát tới Thủ tướng Hun Sen. Cô cũng khẩn thiết đề nghị ông Hun Sen can thiệp.
Ngay sáng hôm sau, cảnh sát trả tự do cho Chamroeun và cáo buộc chống lại anh này được hủy bỏ. “Chúng tôi không bao giờ có thể nghĩ rằng ngài thủ tướng sẽ giúp chúng tôi. Vụ việc đã được xử lý rất nhanh chóng”, cô Chenda nói.
Theo Reuters, Thủ tướng Campuchia Hun Sen lập tài khoản trên mạng xã hội hồi tháng 9/2015 và hiện có 2 triệu người theo dõi. Theo các chuyên gia, thủ tướng sử dụng Facebook nhằm lấy lòng cử tri trước cuộc bầu cử năm 2018, dự đoán sẽ là thách thức lớn nhất đối với ông trong 30 năm tham gia chính trường.
Ông Hun Sen sau đó cũng kêu gọi người dân gửi các khiếu nại về tình trạng tham nhũng của các quan chức trong chính quyền tới Facebook cá nhân.
Trong một bài phát biểu gần đây, ông Hun Sen đề cập tới trường hợp của anh Chamroeun khi cho rằng nếu không có mạng xã hội, ông sẽ không thể phục vụ người dân hiệu quả được như vậy. “Tôi cần phải xử lý công việc một cách nhanh chóng. Những vấn đề mà người dân đang đối mặt không hề nhỏ, không được đánh giá thấp những vấn đề đó”, ông nói.
Ngoài trường hợp của anh Chamroeun, thời gian qua, ông Hun Sen đã giải quyết nhiều vấn đề mà ông nhận được qua Facebook như lệ phí thi đại học cao, sự không minh bạch về vấn đề thu phí đường bộ, quy định cấp bằng lái xe máy và thuế thừa kế.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen, 7 bộ trong chính phủ cũng đã lập các nhóm với 64 thành viên chuyên theo dõi các bình luận được đăng tải trên trang Facebook của ông. Mục đích là nhằm phát hiện bức xúc của người dân, gồm cả tranh chấp đất đai, vốn là vấn đề nan giải tại Campuchia.
“Chúng tôi theo dõi các bình luận ở tất cả thời điểm và mọi ngày. Đây là chỉ đạo trực tiếp từ thủ tướng nên không thể phớt lờ”, ông Seng Loth, người giám sát trang Facebook của Bộ Kế hoạch Đô thị và Quản lý Đất đai Campuchia, cho biết.