Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Cải cách tiền lương phải thực sự, không chỉ bù trượt giá

Nhấn mạnh “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, Thủ tướng yêu cầu cải cách tiền lương phải làm thực sự chứ không chỉ là bù trượt giá hoặc chỉ cải cách đôi chút.

Chiều 4/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Theo quyết định mới ban hành tháng 2/2020 về phân công công tác của Thủ tướng, các phó phủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữ cương vị Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công thay ông Vương Đình Huệ.

cai cach tien luong tu nam 2021 anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Ảnh: VGP.

Nguồn cải cách tiền lương là vấn đề được thảo luận nhiều tại phiên họp. Một số ý kiến cho rằng, cái gốc là phải tinh giản biên chế, cân đối được bài toán ngân sách hay đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nguyên tắc thiết kế thang bảng lương cần căn cứ mức độ phức tạp của vị trí việc làm.

Nhấn mạnh “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định cải cách tiền lương là bài toán khó, liên quan đến nhiều đối tượng. Ông yêu cầu cải cách tiền lương thì phải cải cách thực sự, chứ không chỉ là việc bù trượt giá. Bên cạnh đó, cải cách tiền lương phải tiến hành đồng bộ đối với các đối tượng.

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để hoàn thiện xây dựng thang bảng lương - một vấn đề vô cùng phức tạp.

“Mức lương mới phải được cải thiện so với mức cũ với tinh thần cải cách, công bằng và phải xét đến mối quan hệ giữa các đối tượng hưởng lương khác nhau”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng nguồn để thực hiện cải cách tiền lương rất quan trọng, nguồn này sẽ được dành một phần từ phần vượt thu ngân sách của Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục làm quyết liệt việc giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước, cải cách đơn vị sự nghiệp công lập.

“Giảm đầu mối, biên chế là cơ sở quan trọng để cải cách tiền lương”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị có phương án tính toán, điều chỉnh phù hợp đối với lương hưu từng thời kỳ, đặc biệt là đối với người về hưu trước năm 1995. Tiếp đó, sẽ điều chỉnh lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2021.

Thủ tướng nhấn mạnh việc điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với người có công rất quan trọng bởi đây là chính sách đặc biệt, thể hiện sự tri ân của đất nước, Đảng, Nhà nước. Ông mong muốn người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ đề nghị tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về các phương án cải cách tiền lương, đánh giá kỹ tác động để có phương án tối ưu trong khả năng ngân sách.

“Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”, Thủ tướng quán triệt.

Bộ trưởng báo tin vui ‘đã có 38.000 tỷ để tăng lương’

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân chia sẻ rất mừng khi Bộ trưởng Tài chính thông tin đã bố trí được 38.000 tỷ để cải cách tiền lương. Tiền đã có, nhưng theo ông, còn phải chờ thể chế.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm