Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung ương ban hành nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương

Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương nhấn mạnh sẽ đảm bảo đời sống cho người hưởng lương, giúp nâng cao năng suất lao động.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết Số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Mục tiêu tổng quát của đề án cải cách nhằm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế.

Ngoài ra còn giúp xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương.

Về nội dung cải cách, đề án chia làm 2 khu vực là khu vực công (đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang) và khu vực doanh nghiệp (doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước).

Lương cơ bản chiếm khoảng 70% quỹ lương

Đối với khu vực công, cải cách nhằm hướng tới thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

nghi quyet cua ban chap hanh trung uong ve cai cach chinh sach tien luong anh 1
Đối với khu vực công, cải cách nhằm hướng tới thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Ảnh: VGP.

Đề án cải cách cũng xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới, bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.

Cải cách sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ…

Sẽ có quy định mới chế độ phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính đối với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh. Thực hiện nhất quán khoán quỹ phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố trên tỉ lệ chi thường xuyên của UBND cấp xã.

Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.

Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp tư nhân

Đối với người lao động trong doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết nhấn mạnh sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động.

Sẽ có điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp...).

Chính sách tiền lương mới sẽ thực hiện theo lộ trình ra sao? Nếu được Hội nghị Trung ương 7 thông qua, đề án cải cách tiền lương sẽ bắt đầu được hoàn thiện và triển khai từ năm 2021 với nhiều giai đoạn.

Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thoả ước lao động tập thể.

Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thoả thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.

Trả lương trong DNNN gắn với năng suất lao động

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng đối với doanh nghiệp Nhà nước gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường. Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương, bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ.

Phân định rõ tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương. Nhà nước quy định mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm và tiền thưởng theo năm gắn với quy mô, mức độ phức tạp của quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn nhà nước đối với người đại diện vốn nhà nước.

Đối với doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường theo nhiệm vụ được Nhà nước giao thì tính toán, xác định để loại trừ những chi phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, làm cơ sở xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động và người quản lý doanh nghiệp.

Tăng thu so với dự toán được giữ lại để cải cách tiền lương

Nghị quyết đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện đề án cải cách thành công. Các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước xây dựng văn bản quy định chế độ tiền lương mới báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định trước khi ban hành, để từ năm 2021 thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Nghị quyết cũng đặt ra nhiệm vụ quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương.

nghi quyet cua ban chap hanh trung uong ve cai cach chinh sach tien luong anh 2
Nguồn tăng thu theo dự toán được giữ lại để làm nguồn cho cải cách tiền lương. Ảnh: Báo Công Thương.

Cần thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển kinh tế tư nhân; về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Ngoài ra thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công nhằm phát triển nguồn thu bền vững, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.

Hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương.         

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hàng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương còn dư sau khi bảo đảm điều chỉnh mức lương cơ sở hàng năm và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương sau năm 2020, không sử dụng vào mục đích khác khi không được cấp có thẩm quyền cho phép.

Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước như tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo... Thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị.

Mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Không gắn mức lương của cán bộ, công chức, viên chức với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương. Nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương (xe ôtô, điện thoại...).

Đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính phải tự bảo đảm nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm một phần chi thường xuyên, tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ.

Gắn cải cách tiền lương với tinh gọn bộ máy

Để thực hiện cải cách thành công, Nghị quyết cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị và người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đặc biệt là việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn bền vững cho cải cách chính sách tiền lương.

nghi quyet cua ban chap hanh trung uong ve cai cach chinh sach tien luong anh 3
Cải cách chính sách tiền lương sẽ gắn với tinh gọn bộ máy. Ảnh: Báo Công Thương.

Nghị quyết cũng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Cần sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, doanh nghiệp, BHXH và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương trong khu vực công và khu vực doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bổ nhiệm, kỷ luật, trả lương và quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

Hoàn thiện cơ chế thoả thuận về tiền lương trong doanh nghiệp thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thoả thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm hài hoà lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, tạo sự đồng thuận cao.

Đột phá chính sách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7

Không cào bằng, kích thích sáng tạo là những thuật ngữ chung chung nhưng là sự đột phá trong đề án cải cách tiền lương cán bộ công chức sắp trình Ban chấp hành Trung ương Đảng.




Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm