Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên toàn thể hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25. |
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 khai mạc sáng 12/11, tại thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar), mở đầu cho loạt các Hội nghị Cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác sẽ diễn ra trong hai ngày 12-13/11.
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ về vấn đề Biển Đông. Theo đó, tại Hội nghị Cấp cao tháng 5/2014, ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.
Thủ tướng cho rằng tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC.
Do đó, tại Hội nghị này, ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), trước hết là Điều 5 của Tuyên bố này, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Thủ tướng đề nghị ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất, đặc biệt là việc ASEAN - Trung Quốc cần sớm cụ thể hóa các biện pháp và xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố; đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc COC có tính ràng buộc, cũng như sớm triển khai các biện pháp “thu hoạch sớm” song song với tiến trình đàm phán về COC.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn, xung đột cục bộ ở một số khu vực tiếp tục gia tăng cùng với những thách thức an ninh phi truyền thống đang ảnh hưởng không nhỏ, gây quan ngại đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Về vấn đề khủng bố và bạo lực gia tăng ở Iraq và Syria, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam lên án mạnh mẽ khủng bố dưới mọi hình thức. Việt Nam ủng hộ Nghị quyết số 2170 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Phát biểu về Cộng đồng ASEAN và định hướng sau 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong năm 2015 cùng các nước ASEAN hoàn thành tốt lộ trình tiến tới Cộng đồng, như mục tiêu đã đề ra. Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần phát huy mạnh mẽ trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực.
Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 25, cùng với các nhà Lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 với các các thành tố chính của Tầm nhìn làm cơ sở xây dựng định hướng phát triển Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn 2016-2025; Tuyên bố ASEAN về Tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN và nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ quan ASEAN và Tuyên bố ASEAN về Biến đổi khí hậu.
Cần giải quyết tranh chấp trên biển Đông trên cơ sở đối thoại
Sáng 12/11, nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp và Hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến TTK Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. |
Tại cuộc Hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp rất quan trọng của Liên Hợp Quốc và cá nhân Tổng thư ký trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu, thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.
Tổng thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Tổng thư ký bày tỏ mong muốn sớm sang thăm Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Việt Nam.
Về tình hình biển Đông, Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định quan điểm của Liên Hợp Quốc các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại, các bên không có hành động gây căng thẳng; hy vọng các hội nghị ở khu vực sẽ là cơ hội để các bên liên quan giải quyết vấn đề trên cơ sở cách tiếp cận hướng tới tương lai và Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ trong vấn đề này.