Sáng 27/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo tình hình dịch Covid-19 và đưa ra các quyết sách phòng, chống dịch.
Bước ngoặt lây lan dịch trên toàn cầu
Đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 cho biết theo số liệu tính đến 9h ngày 27/2, số ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc trong một ngày lần đầu tiên lớn hơn số nhiễm mới của Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt lây lan dịch trên phạm vi toàn cầu.
Hiện, tất cả châu lục, trừ châu Nam Cực, đều ghi nhận ca nhiễm Covid-19 với 49 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Những nước có nhiều người mắc nhất là Trung Quốc (78.473 mắc, 2.741 tử vong), Hàn Quốc (1.595 mắc, 12 tử vong), Nhật Bản (877 mắc, 7 tử vong, trong đó tàu Diamon Princess: 705 mắc, 4 tử vong ), Italy (453 mắc, 12 tử vong), Iran (139 mắc, 19 tử vong). Số mắc mới tại Trung Quốc đang có xu hướng chững lại, tuy nhiên, tại một số nước, dịch đang phát triển mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran.
Tại Việt Nam, từ ngày 13/2 đến nay không ghi nhận các trường hợp mắc mới. Tình hình dịch ở nước ta đang được kiểm soát.
Về các biện pháp phòng chống, Ban chỉ đạo cho biết Bộ Ngoại giao, các hãng hàng không thông báo rộng rãi về việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người từ vùng dịch Hàn Quốc vào Việt Nam.
Đối với người Hàn Quốc và người đã qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 11/2, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị cập nhật ngay danh sách và nơi cư trú, lưu trú, gửi các tỉnh, thành phố để rà soát, thực hiện giám sát y tế và tổ chức cách ly các trường hợp được phát hiện đến từ vùng có dịch của Hàn Quốc, hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch.
Về các tuyến bay giữa Việt Nam - Hàn Quốc, hiện nay không còn chuyến bay tới vùng có dịch, tần suất các chuyến bay tới các cảng hàng không khác của Hàn Quốc đã giảm 60-70%.
Vất vả, tốn kém cũng kiên quyết chống dịch
Đánh giá kết quả phòng chống dịch là tốt, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý nguy cơ còn cao, tình hình dịch ở nhiều nước diễn biến phức tạp.
“Chúng ta đã ngăn chặn hiệu quả, đến nay, không có ca nhiễm mới, tất cả trường hợp mắc đều khỏi bệnh, xuất viện. Nhưng chúng ta không được chủ quan, phải tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dù vất vả, tốn kém vẫn phải kiên quyết thực hiện các giải pháp chống dịch. Ảnh: VGP. |
Với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã làm tất cả các biện pháp có thể với thái độ cương quyết. Dù tốn kém, vất vả cũng phải làm, nếu dễ dãi, đơn giản, thiếu ý chí trong việc này thì sẽ thất bại.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu, cách ly phải kiên quyết, bắt buộc đối với mọi người từ vùng dịch vào Việt Nam.
Theo ông, ngăn chặn lây lan là giải pháp y tế tốt nhất lúc này.
Cùng với đó, tiếp tục tạo điều kiện cho người cách ly sinh hoạt bình thường. Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tốt hướng dẫn của nước sở tại để ổn định.
Về vấn đề đi học của học sinh, Thủ tướng nêu rõ sẽ do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố xem xét trong khung chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận với các địa phương để xử lý vấn đề này một cách tốt nhất.
Tình hình diễn biến phức tạp, một số nơi xuất hiện ổ dịch mới nhưng Thủ tướng bày tỏ tin tưởng tình hình dịch bệnh trên toàn cầu được kiểm soát cơ bản và tiến triển tốt vào quý II. Kinh tế thế giới sẽ có chuyển biến tích cực.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương ngay từ thời điểm này, bên cạnh kiên quyết ngăn chặn dịch có hiệu quả thì cần phải có tư duy đột phá chính sách và hành động để năm 2020 tiếp tục là năm thành công về kinh tế, ổn định về xã hội, hoàn thành đầy đủ, toàn diện các mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đã giao.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng phương án về giảm thuế, giãn thuế, hoãn thuế, chậm nộp thuế, giảm phí logistics và một số vấn đề khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Những việc này nhằm tạo cho các cơ sở sản xuất có sức, có đà vươn lên, nhất là tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng bị tổn thương của dịch bệnh.
Báo cáo tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 24/2 về việc điều chỉnh lịch học của học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã có văn bản về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, dự kiến kết thúc năm học trước ngày 30/6, hoàn thành tuyển sinh lớp 10 trước ngày 15/8 và thi THPT quốc gia từ ngày 23/7 đến 26/7.
Sau khi tính toán kỹ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương xem xét, quyết định cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ 2/3 để đảm bảo thời gian kết thúc năm học. “Dịch diễn biến rất phức tạp nhưng không thể ngồi chờ đến khi nào hết dịch thì học sinh mới đi học lại”, ông Nhạ nói.
Văn phòng Chính phủ khi đó cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT theo thẩm quyền quyết định cho học sinh, sinh viên (trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm) đi học trở lại trên toàn quốc từ 2/3. Đối với học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, có thể xem xét quyết định cho nghỉ thêm hai tuần, sau đó bộ quyết định cụ thể thời điểm đi học tùy theo diễn biến của dịch bệnh.