Trong tuyên bố, quân đội Armenia nói Thủ tướng Pashinyan và chính phủ "không còn đủ năng lực đưa ra những quyết định thỏa đáng, trong tình hình khủng hoảng xảy ra với người dân Armenia", theo Interfax.
Tuyên bố cũng nói quân đội lâu nay dung thứ cho các vụ "tấn công" của giới chức nhằm làm mất uy tín của lực lượng vũ trang, nhưng mọi thứ đều có giới hạn.
Do đó, quân đội yêu cầu thủ tướng từ chức và không sử dụng vũ lực chống lại những người đã bảo vệ đất nước.
Ông Nikol Pashinyan là thủ tướng Armenia kể từ tháng 5/2018. Ảnh: Tass. |
Thủ tướng Pashinyan tuyên bố đòi hỏi này của quân đội là âm mưu đảo chính, theo hãng tin Interfax.
Ông kêu gọi những người ủng hộ chính phủ hãy tập trung ở trung tâm thủ đô Yerevan.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Pashinyan cũng thông báo cách chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Onik Gasparyan.
Một ngày trước, Thủ tướng Pashinyan đã sa thải ông Tiran Khachatryan, phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất quân đội Armenia.
Quân đội phản đối quyết định nói trên, nói nó được đưa ra dựa trên những lý do "thiển cận và vô lý", không phục vụ lợi ích quốc gia Armenia, và cơ bản xuất phát từ "tình cảm và tham vọng cá nhân".
Thủ tướng Pashinyan đối mặt với các cuộc biểu tình kêu gọi ông từ chức, sau khi những người chỉ trích nói ông mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh hồi năm ngoái.
Động thái của quân đội Armenia diễn ra sau khi hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Yerevan vào cuối tuần trước để kêu gọi ông Pashinyan từ chức.
Ông Pashinyan chống lại sức ép ngày càng gia tăng từ tháng 11/2020, sau khi ông ký thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian để chấm dứt 6 tuần giao tranh với nước láng giềng Azerbaijan.
Giao tranh giữa quân đội Azerbaijan và lực lượng người gốc Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh bùng nổ vào ngày 27/9/2020. Đây là xung đột đẫm máu nhất tại khu vực này kể từ đầu những năm 1990. Ít nhất 6.000 người đã thiệt mạng.
Thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian giúp khép lại xung đột, nhưng nó khiến nhiều người Armenia bất bình.
Trong thỏa thuận, ông Pashinyan đồng ý nhượng vài phần lãnh thổ trong và xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh mà hai bên đang có tranh chấp.
Ông Pashinyan đến nay không đồng ý từ chức, nhưng nói ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về hậu quả vụ xung đột, cũng như gánh vác trọng trách bảo đảm an ninh cho Armenia.