“Để giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc, tôi sẵn sàng phá bỏ những ngờ vực với Triều Tiên, bắt đầu một khởi đầu mới và gặp trực tiếp Chủ tịch Kim Jong Un”, AFP dẫn phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 25/9.
Cách đây một năm, Thủ tướng Abe cảnh báo Liên Hợp Quốc rằng cánh cửa ngoại giao với Triều Tiên đang đóng lại. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng lần này, ông thể hiện thái độ cởi mở hơn dù vẫn thận trọng.
Thủ tướng Abe cho biết hiện hai nước chưa lên kế hoạch cho cuộc gặp, nhưng khẳng định: "Nếu chúng ta tổ chức hội nghị, tôi quả quyết rằng nó phải đóng góp vào việc giải quyết vấn đề bắt cóc”.
Tổng thống Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo. |
Việc Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong thập niên 1970, 1980 là vướng mắc kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước và cũng là trọng tâm trong sự nghiệp chính trị của ông Abe.
Cựu thủ tướng Junichiro Koizumi từng hai lần thăm Bình Nhưỡng để tìm kiếm quan hệ mới với nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là Kim Jong Il. Phía Triều Tiên nói với ông Koizumi rằng các nạn nhân đều đã qua đời. Trong lúc đó, gia đình những người bị bắt cóc và các nhà hoạt động xã hội mạnh mẽ phản bác điều này.
Những suy đoán về cuộc gặp giữa ông Abe và ông Kim Jong Un gia tăng từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hồi tháng 6. Ông Kim đã nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẵn sàng hội đàm với Nhật Bản.
Cùng lúc đó, khi Tổng thống “bồ câu” Moon Jae In của Hàn Quốc đang ngày càng thân thiện với ông Kim, Nhật Bản lo ngại rằng nếu từ chối đối thoại, họ sẽ bị “ra rìa” trong những giải pháp mang tính quyết định về Triều Tiên.
Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc trước đó cùng ngày, Tổng thống Trump nêu rõ “nỗ lực thúc đẩy mới và táo bạo của ông vì hòa bình”, đồng thời dành lời ca ngợi cho sự dũng cảm của ông Kim Jong Un.
Phát biểu này trái ngược hoàn toàn với những gì tổng thống Mỹ từng nói tại cùng sự kiện cách đây một năm, khi ông đe dọa “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên và hạ thấp “người tên lửa” Kim.
Dẫu vậy, trước sự lạc quan của ông Trump, nhiều nhà phân tích hoài nghi về thiện chí thay đổi của Triều Tiên, cho rằng nước này đã tiến hành xong các cuộc thử nghiệm cần thiết để xây dựng chương trình hạt nhân và tên lửa.