Trong buổi họp báo trực tuyến ngày 20/5, khi được hỏi Mỹ đang làm gì để tái cơ cấu chuỗi cung ứng ở châu Á - mục tiêu mà Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu ra - ông Krach cho biết: “Chúng tôi có quan hệ đối tác ngày càng phát triển với Việt Nam, bao gồm hợp tác về chính trị, kinh tế, an ninh và con người với con người".
"Mỹ ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, đóng góp vào an ninh quốc tế và tham gia thương mại một cách công bằng, có đi có lại, tôn trọng nhân quyền và thượng tôn pháp luật. Tôi tin rằng quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ chỉ vững mạnh hơn”.
Ông là thứ trưởng phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường trong Bộ Ngoại giao Mỹ.
“Tôi đã có 30 năm làm việc ở Thung lũng Silicon, và ở đó có nhiều người đến từ Việt Nam. Và đó là những lãnh đạo giỏi, những chuyên gia công nghệ giỏi ở Thung lũng Silicon... nên tôi nghĩ mối quan hệ sẽ được tăng cường”, ông nói thêm.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach (trái). Ảnh: AP. |
Trước câu hỏi liệu có hay không việc 27 công ty Mỹ sắp chuyển sang Indonesia, ông Krach không khẳng định, mà chỉ nói “tôi chưa thấy thông tin đó, nhưng tôi cũng không ngạc nhiên”, đồng thời ca ngợi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Indonesia.
Trả lời câu hỏi từ Philippines về liệu căng thẳng Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tới ngành bán dẫn của nước này như thế nào, ông Krach cho biết: “Chúng tôi biết nhiều nước đang đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, và điều này càng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi đại dịch. Vì vậy tôi nghĩ đây là dấu hiệu tốt cho Philippines, một đồng minh thân cận và đối tác tin cậy của Mỹ”.
Các bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phơi bày hạn chế khi chuỗi thương mại lệ thuộc quá nhiều vào một nước, và các cường quốc đang khuyến khích công ty của mình thay đổi chuỗi cung ứng theo hướng đa dạng hóa.
Nhiều chính phủ châu Á, vừa ứng phó dịch bệnh, vừa chạy đua mời gọi các tập đoàn chuyển sản xuất về nước mình.
Policy Times đưa tin Indonesia đang vừa “chốt” được 27 nhà máy Mỹ sẽ chuyển đến, sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Indonesia - Mỹ, nhưng chi tiết về thỏa thuận này vẫn chưa có nhiều.
Jakarta cũng cam kết dành 4.000 ha đất khu công nghiệp tại Trung Java cho các ông chủ Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ lập quỹ đất 461.589 ha để thu hút doanh nghiệp từ Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, ngày 15/5, Mỹ thay đổi quy định nhằm ngăn chặn các công ty sản xuất chip xử lý của nước này bán hàng hoặc cung cấp sản phẩm cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Ngày 18/5, Công ty Sản xuất chế tạo bán dẫn Đài Loan (TSMC), đối tác với cả Apple lẫn Huawei, thông báo đã ngừng mọi hợp đồng đặt hàng mới từ Huawei. TSMC cũng cho biết sẽ xây nhà máy trị giá 12 tỷ USD tại Arizona, Mỹ.