Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương vào chiều ngày 2/6, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam hiện còn phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc, trong đó, 5-6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang có thế mạnh thì lại tập trung chủ yếu ở thị trường xuất khẩu là Trung Quốc. Nhập siêu của Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn, 23% hàng hóa nhập khẩu của nền kinh tế cũng đến từ Trung Quốc, với giá trị nhập khoảng 10 tỷ USD, tương đương 9% tổng kim ngạch hàng xuất của Việt Nam trong năm 2013.
"Chúng ta đang xuất khẩu sang rất nhiều nước, nhưng nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu này lại nhập từ Trung Quốc. Ví như chúng ta xuất con cá sang EU, Mỹ, nhưng thức ăn chăn nuôi lại phải nhập từ Trung Quốc", ông Hải dẫn chứng.
Để giảm thiểu sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ ra nhóm ba giải pháp gồm tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu và tự chủ về thị trường. Cụ thể, với xuất khẩu, Việt Nam đang làm khá tốt khi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này đã tăng 28,4%. Về giảm nhập khẩu, thứ trưởng cho rằng cần phải tăng cường sản xuất, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tự lực.
Bộ Công thương đã có nhiều hỗ trợ cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó chủ yếu là đàm phán tìm đối tác và thị trường mới cho doanh nghiệp, thậm chí ngay trong thị trường nội địa. Thứ trưởng Hải cũng nhấn mạnh việc cần tiến hành rốt ráo cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt. "Đất nước ta có 90 triệu dân mà ưu tiên dùng hàng Việt thì sẽ tạo ra một thị trường tiêu thụ rất lớn. Người Việt vẫn mua hàng của Thái Lan dù rất đắt, trong khi hàng của Việt Nam có thể vào được các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản... thì tại sao lại không được ưa thích ở nội địa? Đây chính là hành động yêu nước thiết thực mà người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp có thể làm được lúc này, và phải làm kiên quyết, coi sự việc lần này là cú huých để ta làm mạnh hơn, quyết tâm hơn", Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Riêng về việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định các ban ngành, chuyên gia đã nói rất nhiều, nhưng thực hiện đến nay vẫn chưa được bao nhiêu. "Bộ Công thương đã có chính sách ưu tiên cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, sắp tới sẽ ra nghị định, quy định cụ thể ngành nào được nhận ưu tiên ra sao... Nếu không phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ thì sẽ rất khó nói công nghiệp Việt Nam rồi sẽ phát triển như thế nào, càng khó để giảm phụ thuộc vào một thị trường nhất định".
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, việc kinh doanh, sản xuất giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn bình thường qua cả đường chính ngạch và tiểu ngạch trên cơ sở hai bên cùng có lợi và trước mắt sẽ vẫn tiến hành theo đà như hiện nay. Ảnh hưởng căng thẳng tại biển Đông có tác động đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với Trung Quốc, nhưng đây chủ yếu là do yếu tố tâm lý.