Chiều 2/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11.
Các vấn đề gia hạn vaccine có ảnh hưởng gì đến chất lượng, bao giờ tiêm mũi vaccine thứ 3, kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế khi có biến chủng mới... đã được đại diện các bộ, ngành trả lời.
Mua dự phòng đủ vaccine, thuốc điều trị Covid-19 để sẵn sàng ứng phó với dịch
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết tình hình kinh tế đã có nhiều khởi sắc. Các cơ quan đã hoàn thành dự thảo Chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, xã hội.
Truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cùng ngày, ông Sơn cho biết Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã nhận được sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp. Từ Trung ương đến địa phương nghiêm túc thực hiện.
Đến nay, dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tạo lòng tin cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xã hội. Các thành viên Chính phủ nhận định tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc cộng đồng có xu hướng tăng ở một số địa phương. Đặc biệt có xuất hiện của biến chủng mới Omicron. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 và sửa đổi, bổ sung những điều chưa phù hợp.
Theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần nhanh chóng xây dựng kịch bản và phương án ứng phó, mua dự phòng đủ vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế tại các địa phương. Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh - tế xã hội cũng là một nhiệm vụ quan trọng được người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Các nước sẽ xem xét thận trọng hơn vì có biến chủng Omicron
Trả lời về kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế để vừa phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài về nước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nêu thực tế việc mở các đường bay là nhu cầu khách quan, không chỉ của riêng Việt Nam mà của các nước khác.
"Các quốc gia đều muốn mở đường bay để đi lại, giao thương, du lịch", ông Đông nói. Ông cho biết Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch về nội dung này và báo cáo Thủ tướng hôm 8/11, trong đó đưa ra những quốc gia mà Việt Nam dự kiến liên kết mở đường bay quốc tế, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia khác. Kèm theo đó là lộ trình và từng giai đoạn khác nhau dựa trên nhu cầu của từng thị trường.
Nhưng để báo cáo kế hoạch cuối cùng cho Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT nói cần tiếp tục làm việc với các bộ ngành để hoàn thiện. Ông Đông cũng khái quát nhiều điều kiện mở đường bay quốc tế. Trước hết, phải xem xét, căn cứ vào khả năng phòng chống dịch, tỷ lệ tiêm vaccine của người dân và quan trọng là sự đồng thuận của các quốc gia về phương thức kết nối.
"Mở đường bay quốc tế với quốc gia nào phải có sự đồng thuận của quốc gia đó. Các hãng hàng không cũng phải tuân thủ, và các hãng cũng đã sẵn sàng bay", ông Đông cho hay. Ngoài ra, theo ông, hộ chiếu vaccine cũng là công cụ để mở chuyến bay quốc tế.
Song Thứ trưởng Bộ GTVT cũng nêu thực tế gần đây có thêm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nên đây cũng là một yếu tố tác động tới việc mở đường bay quốc tế, các nước cũng sẽ xem xét thận trọng hơn.
Theo kế hoạch ban đầu, ông cho biết dự kiến đầu tháng 12 có thể mở một số đường bay nhưng do biến chủng mới cần rà soát và làm việc lại với các quốc gia để báo cáo Thủ tướng quyết định.
Công ty của Chủ tịch Vimedimex có biểu hiện "vây thầu"
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Zing hỏi Bộ Công an về kết quả điều tra ban đầu vụ án liên quan đến ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế và bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex cùng 7 người khác do liên quan đến nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
Chánh văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết Ban thường vụ Đảng ủy Công an đã xem xét rất kỹ, cẩn trọng trong từng vụ việc, nhất là khi đưa ra quyết định khởi tố người có ảnh hưởng, có chức, có quyền hạn.
"Bộ trưởng yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm để làm rõ vi phạm. Nếu người đó quyết định vì cái chung, không sai, không tiêu cực sẽ xem xét một cách khác. Còn nếu vụ việc có ăn chia, biểu hiện tiêu cực thì phải xử lý. Nhưng rất cân nhắc các biện pháp tố tụng như bắt hay không bắt", ông Xô nói.
Ông Xô cho biết theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Bộ Công an ưu tiên xử lý một số vụ việc trong lĩnh vực y tế, đấu thầu đất đai. Phương châm là xử lý một vụ án để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực, hướng tới lợi ích người được hưởng là nhân dân. Với vụ việc của ông Trương Quốc Cường, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ buôn bán thuốc giả tại VN Pharma. Trong đó, nhiều lãnh đạo Cục Quản lý dược cũng bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm.
Với vụ bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Vimedimex, ông Xô nhấn mạnh đây là vụ việc đấu thầu đất đai. Vụ án có biểu hiện “vây thầu” khi bà Loan cho các công ty con của Vimedimex đi đấu thầu, dùng biện pháp “câu mắc” các cơ quan liên quan.
Giá đất đấu giá ban đầu là 500 tỷ sau đó được hạ xuống 300 tỷ để thắng thầu. Các công ty bị loại ra ở vòng 1 khi đấu thầu cùng một giá, chỉ còn lại 3 công ty lọt vào vòng tiếp theo, cùng là công ty con của Vimedimex. Sau đó, các công ty con này lại bỏ thầu cùng một giá, rồi xin bỏ thầu. “Cơ quan công an tiếp tục làm rõ vụ việc”, ông Xô cho biết.
Kế hoạch tiêm vaccine mũi thứ 3
Giải đáp nhóm câu hỏi liên quan đến dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng và số ca tử vong có chiều hướng tăng ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền như tiểu đường, ung thư, tim mạch…
Từ thực tế đó, Bộ Y tế đã đề ra một số giải pháp như quan tâm, theo dõi người có bệnh, nhiều tuổi, có nguy cơ cao; các bệnh viện thực hiện đánh giá, phân loại nguy cơ và theo dõi sát bệnh nhân từ đầu; tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng cao.
Theo ông Thuấn, Bộ Y tế đã có quyết định phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở y tế tuyến địa phương. Cùng với đó, ông Thuấn lưu ý giải pháp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn trong bệnh viện, kích hoạt trung tâm hỗ trợ chuyên môn từ xa; phân tầng điều trị đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh tình trạng quá tải hoặc làm tăng nguy cơ tử vong.
Trả lời câu hỏi về vấn đề tiêm vaccine mũi 3, Thứ trưởng Bộ Y tế công bố thông tin tính đến ngày 1/12, Bộ Y tế đã tổ chức tiêm cho hơn 125 triệu liều cho người trên 18 tuổi và trẻ em 12-17. Trong đó, với nhóm người trên 18 tuổi có hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 liều và gần 68% được tiêm đủ 2 liều. Nhiều tỉnh, TP đã tiêm đủ 2 mũi cho 80-90% người trên 18 tuổi trên địa bàn.
“Việc tiêm đủ liều cơ bản là rất quan trọng trong phòng chống dịch nên cần ưu tiên tối đa”, ông Thuấn nhấn mạnh. Để tăng cường phòng dịch Covid-19 cho những người đã tiêm đủ liều cơ bản, Bộ Y tế đã có công văn triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Cụ thể, liều nhắc lại sẽ được tiêm cho người trên 18 tuổi đã tiêm liều cơ bản và bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, người cần được chăm sóc dài hạn tại cơ sở y tế, nhân viên y tế… Loại vaccine dùng cho tiêm liều nhắc lại cùng loại với liều cơ bản hoặc loại vaccine công nghệ mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine công nghệ mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung bằng vaccine Sinopharm thì mũi nhắc lại tiêm cùng loại hoặc vaccine công nghệ mRNA.
“Thời gian tiêm mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản”, ông Thuấn cho biết và khẳng định vaccine để tiêm bổ sung và nhắc lại là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt, liều lượng theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
“Dự kiến hết năm nay, chúng ta có hợp đồng với tổng số 200 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đã và đang đàm phán với các công ty, đối tác, sắp tới sẽ tiếp tục phân phối vaccine cho Việt Nam, đặc biệt là Pfizer và AstraZeneca”, ông Thuấn nói và nhận định sẽ đủ vaccine để tiêm mũi nhắc lại và tăng cường trong thời gian tới.
Gia hạn vaccine không ảnh hưởng đến chất lượng
Trả lời câu hỏi về vấn đề gia hạn vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định việc này được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên, không riêng gì Việt Nam. Việc gia hạn cũng được kiểm định khắt khe, đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả.
Theo ông Thuấn, Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) đã thông qua hạn sử dụng của vaccine Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Sau đó, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã có thư gửi UNICEF thông báo về việc tăng hạn sử dụng vaccine này.
"Các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn trên lọ vaccine theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ có thông báo riêng về tăng hạn sử dụng vaccine lên 9 tháng”, ông Thuấn thông tin.
Ngoài ra, ông cho biết tới đây nhà sản xuất sẽ tiếp tục nghiên cứu, nếu đảm bảo chất lượng, nhà sản xuất sẽ nộp hồ sơ, các cơ quan thẩm quyền có thể gia hạn sử dụng vaccine lên tới 12-24 tháng nếu đạt yêu cầu.
"Tất cả lô vaccine trước khi sử dụng tại Việt Nam đều được Viện kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế đánh giá về chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng, do vậy nên việc tăng thời hạn vacicne lên 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng vaccine", ông Thuấn khẳng định.
Chính phủ đã xem xét nhiều vòng về chương trình phục hồi kinh tế
Trả lời câu hỏi về quy mô và thời gian của chương trình phục hồi kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Chính phủ dự kiến trình ra Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021.
Với nội dung của chương trình phục hồi, ông cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng, thường trực Chính phủ, Chính phủ nhiều vòng. Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh vai trò của chương trình. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã trả lời một số nội dung sơ bộ về chương trình phục hồi kinh tế.
Về mặt nội dung, ông Trần Quốc Phương nhắc lại 5 nhóm giải pháp chủ yếu: Y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính. Các giải pháp đã cơ bản bao quát hết lĩnh vực cần phải được hỗ trợ, cũng như các mấu chốt của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh, hướng tới phát triển. Thời gian dự kiến áp dụng chương trình là khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu vào năm 2022 và 2023.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh tùy tình hình cụ thể diễn biến dịch bệnh và yêu cầu đặt ra của một số giải pháp mà có thể phải kéo dài thêm. Ví như các dự án đầu tư công, quy mô lớn, đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, phải thực hiện trong thời gian dài. Về quy mô đủ lớn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chưa thể tiết lộ chi tiết. Tuy nhiên, ông cho biết Chính phủ sẽ huy động các quỹ ngoài ngân sách, tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công.
Sẽ thành lập nhiều trung tâm văn hóa Việt Nam trên thế giới
Trả lời về những định hướng phát triển văn hóa sâu Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu một số định hướng lớn.
Ông cho biết một trong những định hướng quan trọng là nâng cao sự đóng góp của văn hóa vào phát triển bền vững kinh tế - xã hội, để văn hóa đứng ngang hàng kinh tế, chính trị. Bộ sẽ tiếp tục tham mưu đề xuất chính sách, hoàn thiện thể chế, khuyến khích sự khai thác, sáng tạo của doanh nghiệp văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp cùng các bộ ngành cùng xây dựng hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, sẽ tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp người dân tiếp cận sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa, xây dựng bộ chỉ số chỉ số văn hóa quốc gia. Trong những vấn đề quan trọng được ông Việt nhấn mạnh là hoàn thiện, tập trung một số ngành công nghiệp văn hóa, trong đó chú trọng lợi thế của Việt Nam so với thế giới. Chính phủ sẽ đẩy mạnh quảng bá văn hóa, thành lập một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở một số quốc gia như Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ kết thúc trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm cùng những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tác động tích cực tới phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, xuất nhập khẩu đạt gần 600 tỷ USD.
Cùng với đó, một số vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm như đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý nhiều dự án thua lỗ, tổ chức tín dụng yếu kém…
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trước hết, phải nắm chắc, bám sát thực tiễn, dự báo tốt tình hình, nhất là diễn biến dịch bệnh; kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Lãnh đạo Chính phủ đặc biệt lưu ý nhiệm vụ tiêm vaccine vì đây là giải pháp căn cơ, quyết định để kiểm soát dịch.
Ông yêu cầu phải có kế hoạch rất cụ thể, chi tiết để bảo đảm tới giữa tháng 12, cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ dân số từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục tiêm cho người từ 12 tuổi; xây dựng kế hoạch phù hợp và triển khai tiêm mũi thứ 3.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại việc bảo quản, tổ chức tiêm vaccine, tiến hành thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, khắc phục các bất cập, sự cố xảy ra và làm tốt công tác truyền thông, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.
Cùng với việc tiêm vaccine cho trẻ em, cần có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ các điều kiện cho việc mở cửa trường học trở lại, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Mặt khác, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để trình cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu rà soát quy trình tiêm vaccine, không để xảy ra sự cố
Nêu nhiệm vụ tiếp tục tiêm vaccine cho trẻ và tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi, Thủ tướng đồng thời yêu cầu rà soát quy trình tiêm chủng, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Chính phủ thảo luận công tác phòng chống dịch, phục hồi kinh tế
Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về công tác phòng chống dịch, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế.
Thủ tướng đề nghị bộ ngành và địa phương chia sẻ dữ liệu, tránh cục bộ
Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Thủ tướng quán triệt bộ ngành, địa phương hoàn thiện cơ sở dữ liệu, tích cực hợp tác và chia sẻ dữ liệu, tránh tình trạng cục bộ.