Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Đã cảnh báo lũ ở miền Trung trước 15 ngày

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trận lũ năm nay vừa "dị thường vừa bất thường". Ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), có nơi ngập 6,3 m, vượt cả mốc lịch sử.

lu lut lich su mien trung anh 1

Dành khoảng 10 phút tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 30/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp đưa ra nhiều giải thích về công tác dự báo, ứng phó và phòng chống thiên tai sau đợt lũ lịch sử và sạt lở đất tại miền Trung và Tây Nguyên.

Ông Hiệp là Thứ trưởng phụ trách trực tiếp và có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực phòng chống thiên tai. Ông dùng từ “dị thường và bất thường” để nói về 4 trận bão quét qua miền Trung chỉ trong 20 ngày gây ra “lũ chồng lũ, bão chồng bão”.

Sau đó, thứ trưởng 2 Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Xây dựng cũng đưa ra giải thích về vấn đề này.

Đã cảnh báo sớm

Về công tác dự báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh Chính phủ đánh giá rất kỹ, rất rõ trong công tác chỉ đạo điều hành và cảnh báo thiên tai. Ngay đầu tháng 1, tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cùng Bộ TN&MT đã cảnh báo năm nay có 5-6 cơn bão ở miền Trung, trong đó có những cơn bão rất lớn.

“Chúng tôi cũng cảnh báo 15 ngày trước trận lũ lịch sử ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Chúng ta đã cảnh báo sớm, người dân cơ bản đã biết thông tin”, ông Hiệp nói.

lu lut lich su mien trung anh 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: TT.

Dẫn chứng cụ thể, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết đã có 56 triệu lượt tin nhắn gửi đến người dân miền Trung, cả hệ thống chính trị vào cuộc rất sớm. Tuy nhiên, vẫn có hình ảnh người dân phải ngồi trên mái nhà tránh lũ.

Ông Hiệp cho biết trận lũ năm nay vừa "dị thường vừa bất thường" khiến một số nơi có diện ngập lụt rất rộng, thậm chí nhà 2 tầng cũng bị ngập. Ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), có nơi bị ngập 6,3 m, vượt cả mốc lịch sử.

Ngoài ra, do lũ diện rộng nên người dân không biết tránh lũ ở khu vực nào.

“Chúng tôi cũng đang cho kiểm tra lại việc có hay không điểm nghẽn thông tin, nếu có thì ở khâu nào. Chúng tôi sẽ đánh giá lại chuyện này, sau khi tập trung vào khắc phục hậu quả”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Cần có lực lượng chuyên nghiệp để ứng phó thiên tai

Về ứng phó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết các lực lượng, đặc biệt là công an và quân đội đã tham gia rất tích cực. Thậm chí rất nhiều chiến sĩ hy sinh, bị thương, hầu hết nhiều ngày không ngủ.

Tuy nhiên, ông Hiệp nhấn mạnh với những dạng thiên tai cực đoan là cần lực lượng chuyên nghiệp hơn, trang thiết bị đồng bộ hơn. Lực lượng này phải có trang thiết bị phù hợp mọi địa hình và thời tiết, đảm bảo an toàn cho chính lực lượng cứu hộ.

Sau lần này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng cần trang bị và tính toán lại lực lượng, phương tiện.

Ngoài lực lượng, ông Hiệp nhấn mạnh đến sức chịu đựng của hạ tầng còn hạn chế. Ví dụ như đê biển chỉ chịu đến cấp bão 10-11. Nếu muốn đê biển chịu được cấp bão 12, giật 15 thì kinh phí đội lên gấp đôi.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi… mới thiết kế ở sức chịu đựng có hạn. Cơ sở tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền mới đảm bảo đủ 46% số lượng tàu thuyền.

Về sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết gây thiệt hại nhiều về người, trong khi diễn ra rất phức tạp, không theo quy luật. Vị trí sạt lở đất ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế hay Quảng Trị là những chỗ ổn định lâu dài không có trong cảnh báo. Do vậy, cần ứng dụng khoa học công nghệ để có cảnh báo chính xác và nhanh chóng.

Tuy nhiên, hiện nay đã có hơn 10 tỉnh có nguy cơ về thiên tai cao đã có bản đồ về sạt lở, nhưng tỷ lệ chỉ đạt 1/50.000. “Chúng tôi nghĩ muốn triển khai được cảnh báo tốt thì được cần tối thiểu bản đồ tỷ lệ 1/10.000, thậm chí phải là là 1/5.000. Để xây dựng tốt nhất thì phải đạt 1/500”, ông nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh sắp tới phải đầu tư cho công tác lập bản vẽ, bản đồ nguy cơ sạt lở trong bối cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt.

Hoạt động của con người có dẫn đến thiên tai?

Trả lời câu hỏi của Zing về việc có hay không tác động của con người tới thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng chắc chắn có. Ông nhấn mạnh con người đều tác động xấu hoặc tốt cho mọi vấn đề, trong đó có thiên tai.

Đồng tình, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng các đợt thiên tai vừa qua có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó, địa chất khu vực miền Trung được đánh giá là đồi núi cao, phân cắt mạnh, có nhiều loại đất đá cổ, bị đập vỡ, nứt nẻ, tạo lớp vỏ phong hóa dày, nhiều đất sét.

“Đây là những điều kiện hết sức bất lợi, khi mưa lớn, mưa lâu ngày, nước chứa trong lớp phong hóa này trở nên nhão, có lực trượt kéo xuống phía dưới”, Thứ trưởng Thành phân tích.

Ngoài ra, ông Thành cũng đề cập đến các tác động của con người khiến việc sạt lở đất thêm phức tạp. Trong đó có xây dựng đường sá, san ủi lấy mặt bằng xây dựng các công trình xã hội, dân cư và cả các nhà máy thủy điện.

“Đây là việc ta cắt những ta-luy, mất chân của sườn dốc, làm mất ổn định địa chất. Các hoạt động này là nguyên nhân kích hoạt để thiên tai xảy ra”, ông Thành cho hay.

Về câu hỏi mất rừng có phải nguyên nhân gây sạt lở đất, đại diện Bộ TN&MT cho rằng cần đánh giá cụ thể từng khu vực, từng trường hợp. Ông dẫn ra trường hợp sạt lở đất nghiêm trọng ở Yên Bái năm 2016 ở ngay tại khu vực rừng nguyên sinh.

lu lut lich su mien trung anh 7

Hiện trường một vụ sạt lở đất ở Quảng Nam. Ảnh: Duy Hiệu.

Vì vậy, ông khẳng định việc sạt lở đất có thể do rất nhiều nguyên nhân. Trong các vụ sạt lở đất vừa rồi như công trình Thủy điện Rào Trăng 3 do đang xây dựng, “cắt, xẻ” đất đá nên xảy ra hiện tượng này.

Ông Thành cũng nói việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự an thủy điện được Bộ thực hiện rất chi tiết, nghiêm túc. Bộ TN&MT, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ loại bỏ 472 quy hoạch thủy điện nhỏ, và xem xét 213 điểm tiềm năng để xây dựng thủy điện để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội các địa phương và đặc biệt là khu vực miền núi.

Nói về đợt thiên tai vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng gần như không có giải pháp, công trình nào chịu được lũ quét, sạt lở đất. Quan trọng nhất là người dân không xây mới ở những nơi có nguy cơ cao.

Ông đồng tình việc cần đưa bản đồ cảnh báo về tỷ lệ 1/500 thì mới ứng dụng được vào thực tiễn. Với những công trình xây dựng rồi, ông Hùng cho biết cơ quan chức năng cần rà soát, hướng dẫn đánh giá từng khu vực để người dân có nhận thức phòng tránh các mối nguy cơ khi gió bão.

'Sạt lở quá lớn, chúng tôi không thể ngờ được' "Đây là lần đầu tiên, Trà Leng có trận sạt lở lớn như vậy. Độ dốc cao, khối lượng đất đá quá lớn nên sạt lở nhanh. Chúng tôi không thể ngờ được", ông Hoàng Ngọc Trác chia sẻ.

Chuyên gia lo nguy cơ sạt lở thường trực ở miền Trung

Điều kiện địa chất bất lợi, mưa lũ dồn dập ở miền Trung khiến nguy cơ sạt lở tăng cao, đe dọa đến an toàn, tính mạng người dân.

Lần đầu tiên nước ta hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão

Chiều 30/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.

Hiếu Công - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm