Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lần đầu tiên nước ta hứng chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão

Chiều 30/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.

  • Chiều 30/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.
  • Cuộc họp diễn ra ngay phiên họp thường kỳ của Chính phủ và dự kiến kéo dài 90 phút.
  • Nền kinh tế phục hồi theo chữ V

    Tại buổi họp Chính phủ thường kỳ sáng 30/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn nhận định của IMF cho biết tổ chức này đánh giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á.

    Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021, hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý IV/2020. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5-3% năm 2020.

    hop bao Chinh phu,  mua lu mien Trung anh 1

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định nền kinh tế nước ra đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III. Tuy lũ lụt nghiêm trọng nhưng khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2-3%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 có khởi sắc, tăng gần 19% so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng trên 10% so với cùng kỳ.

    Xuất siêu đạt kỷ lục gần 19 tỷ USD

    Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu khi CPI tháng 10 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu phục hồi khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, đạt 18,7 tỷ USD. Giải ngân đầu tư công tiếp tục được cải thiện, tốc độ tăng vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng 10 và 10 tháng đầu năm đạt cao nhất trong 5 năm qua với tổng mức thực hiện 10 tháng đầu năm đạt 70% kế hoạch năm và tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước.

  • Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan lơ là về dịch Covid-19

    Cũng tại buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 sáng 30/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu không được chủ quan, lơ là, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Phải quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu, theo dõi y tế đối với người nhập cảnh.

    Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo cần tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân về nước, “thần tốc, thần tốc hơn nữa khi phát hiện có ca nhiễm”; đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3%, nhất là nhân rộng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng; thúc đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa và tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm.

    hop bao Chinh phu,  mua lu mien Trung anh 2

  • Tổng giá trị thiệt hại là 2.700 tỷ đồng

    Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp Chính phủ sáng 30/10, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ dành một phút mặc niệm đến cán bộ, chiến sĩ hy sinh và nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ. Từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ phức tạp, thiệt hại vô cùng lớn anh hưởng đến đời sống người dân.

    "Đây có thể coi là lần đầu tiên trong lịch sử nước ta hứng chịu các trận lũ chồng lũ, bão chồng bão với mức độ nghiêm trọng như vậy. Đến nay, các cơ quan đã thống kê được hàng trăm người chết và mất tích, 122.000 ngôi nhà hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại là 2.700 tỷ đồng", ông Dũng nói.

    Theo ông, Thủ tướng rất chia sẻ những đau thương, mất mát mà người dân miền Trung đang gánh chịu, cùng với sự hy sinh của quân nhân, chiến sĩ, cán bộ công an thiệt mạng trong khi ứng phó, cứu trợ mưa lũ. Chính phủ sẽ nỗ lực làm hết sức, tập trung khắc phục hậu quả, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, vì cuộc sống an toàn bình yên của người dân.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên gọi điện trực tiếp, chỉ đạo các cơ quan phòng chống thiên tai ở Trung ương, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành. Ông cũng thường xuyên trao đổi với lãnh đạo quận đội, công an, đưa ra nhiều giải pháp, huy động lực lượng để cứu nạn, cứu hộ tại các tỉnh miền Trung.

  • Zing đặt 3 câu hỏi ở họp báo


    1. Ngoài yếu tố thiên tai lịch sử, cực đoan, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thế nào về tác động của con người (như việc gây mất rừng nguyên sinh, xây dựng nhiều thủy điện…) tới thực trạng mưa lũ và sạt lở đất vừa qua?

    2. Nhiều ý kiến cho rằng nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền TP Thủ Đức thuộc TP.HCM vẫn chưa có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay, chưa có sự đổi mới để nâng cao hơn nữa vị thế, thẩm quyền của chính quyền. Xin hỏi Bộ Nội vụ có xem xét để đề xuất các quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho chính quyền TP Thủ Đức hay không?

    3. Tại sao lại cấp phép thành lập 2 hiệp hội nước mắm là Hiệp hội nước mắm Việt Nam và Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam? Trong khi đó, hai ban vận động thành lập 2 hiệp hội nước mắm đã từng rất mâu thuẫn với nhau khi tên gọi na ná và trùng nhau. Ngoài ra, có tranh cãi về nước mắm truyền thống khác biệt so với nước chấm chế biến từ nước mắm. Xin hỏi Bộ Nội vụ, tại sao lại cấp phép 2 hiệp hội hoạt động song song, có phải là đánh đồng nước mắm và nước chấm chế biến từ nước mắm hay không?

  • Tại sao lại thành lập 2 hiệp hội nước mắm?

    Trả lời câu hỏi của Zing, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng dẫn Nghị định 45 của Chính phủ quy định về thành lập các hội, trong có việc thành lập các các hội được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ. Bộ đã rà soát các quy định của pháp luật sau khi nhận được đề xuất thành lập 2 hiệp hội nước mắm từ Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

    “Theo tiêu chí của Nghị định Chính phủ ban hành, theo thông tư của Bộ Nội vụ là đủ điều kiện thành lập”, ông Thăng nói.

    hop bao Chinh phu,  mua lu mien Trung anh 3

  • Sẽ xem xét cơ chế vượt trội cho TP Thủ Đức

    Trả lời câu hỏi của Zing về việc xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội cho TP Thủ Đức, trực thuộc TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Quốc hội đã ban hành nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

    TP.HCM hiện đã đề xuất thành lập TP Thủ Đức. Trên cơ sở như vậy, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng, đang phối hợp với các cơ quan, để trình cơ chế vượt trội.

    Ông Thăng nhắc lại năm 2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về cơ chế về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM. Sắp tới, sẽ có tổng rà soát lại, đánh giá sau 3 năm thực hiện. Sau đó, Bộ Nội vụ tham mưu để ban hành cơ chế phù hợp chính quyền đô thị, điển hình như mô hình tổ chức, hoạt động, thẩm quyền…

  • Giải ngân đầu tư công chịu ảnh hưởng mưa lũ

    Trả lời về việc giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng đây là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hiện tại đã đạt 68%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoài hơn 10 điểm %.

    “Đây là thể hiện kết quả đáng khích lệ, là kết quả của một loạt giải pháp chính sách của Chính phủ thực hiện từ đầu năm”, ông Phương nói.

    Về giải pháp giải ngân từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Phương nhắc đến con số 32%. Ông hy vọng tỷ lệ giải ngân sẽ đạt cao của năm 2020. Tuy nhiên, ông cũng nhắc đến yếu tố khách quan cần nhìn nhận là miền Trung chịu ảnh hưởng rất nặng nề của lũ lụt. Do đó, nhiều công trình hạ tầng, công tác đầu tư công sẽ bị ảnh hưởng, hệ quả là kết quả giải ngân đầu tư công của cả nước.

  • Vì sao nợ xấu tăng lên?

    Ngân hàng Nhà nước nhận được câu hỏi về việc trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tăng lên.

    Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sau hơn 3 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu (15/8/2017 đến 30/9/2020), 312.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng có nợ xấu tăng lên.

    Bà Hồng giải thích dịch Covid-19 ảnh hưởng mọi mặt đời sống kinh tế, hoạt động ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng vì là trung tâm tài chính của nền kinh tế. Doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do dịch, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.

    Phó thống đốc cũng cho rằng có thể nợ xấu xuất phát từ nguyên nhân kỹ thuật. Cụ thể, dư nợ tín dụng trong bối cảnh năm 2020 không tăng cao như các năm trước, nên trong phép tính nợ xấu trên tổng dư nợ có thể khiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Bà Hồng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước đã chủ động vào cuộc chỉ đạo các tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nếu thời gian tới, dịch bệnh còn phức tạp thì chắc chắn tác động đến tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

  • Không công trình nào chịu nổi lũ ống, lũ quét

    Trả lời về biện pháp chống chọi đối với các hình thái mưa lũ cực đoan, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết các công trình nhà dân chủ yếu vẫn chống chọi được; thiệt hại chủ yếu là mái tôn, cổng và vách kính. Còn để chống chọi với lũ lụt, ông cho biết nhiều địa phương đã xây dựng các loại nhà chống lũ cao 10-15 m, hoàn toàn có thể vượt qua đỉnh lũ lịch sử. Các hộ dân có thể tích trữ lương thực và sống an toàn tại đây trong nhiều ngày.

    Tuy nhiên, đối với lũ quét và sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng gần như không có giải pháp, công trình nào chịu được. Ông Hùng cho rằng biện pháp quan trọng nhất là người dân không xây mới ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

    “Chúng ta đã có bản đồ về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nhưng tỷ lệ là 1/20.000 đến 1/50.000, mỗi xã chỉ là một chấm nhỏ. Vấn đề là làm sao đưa về tỷ lệ 1/500 thì mới ứng dụng được vào thực tiễn”, ông Hùng cho hay.

  • Đã cảnh báo lũ lịch sử tại miền Trung trước 15 ngày

    Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh Chính phủ đánh giá rất kỹ, rất rõ về chỉ đạo điều hành và cảnh báo thiên tai. Ngay từ đầu tháng 1, tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cảnh báo năm nay có khoảng 5-6 cơn bão ở miền Trung, trong đó có những cơn bão rất lớn.

    “Chúng tôi cũng cảnh báo trước 15 ngày trước trận lũ lịch sử ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế”, ông Hiệp nhấn mạnh.

    Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cho rằng do đợt thiên tai lần này rất dị thường và bất thường, chưa bao giờ 20 ngày mà 4 trận bão, lũ chồng lũ, bão chồng bão. Do đó, nó gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

  • Hoạt động tác động thế nào đến mức độ nghiêm trọng của mưa lũ, sạt lở?

    Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thì cho rằng với 4 trận bão số 6, 7, 8, 9 chỉ trong vòng 20 ngày, chuỗi thiên tai vừa rồi khốc liệt hơn các đợt thiên tai trước đây ở khu vực miền Trung. Riêng trận bão số 9 mạnh nhất 20 năm qua, mưa lớn kéo dài gây ra lượng mưa lớn hơn mức lịch sử năm 1999.

    Trả lời câu hỏi của Zing liệu hoạt động con người có tăng thêm mức độ nghiêm trọng hậu quả thiên tai hay không, ông Thành cho rằng ở khu vực miền Trung có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, địa chất khu vực miền Trung được đánh giá là đồi núi cao, phân cắt mạnh, có nhiều loại đất đá cổ, bị đập vỡ, nứt nẻ, tạo lớp vỏ phong hóa dày, nhiều đất sét.

    “Đây là những điều kiện hết sức bất lợi, khi mưa lớn, mưa lâu ngày, nước chứa trong lớp phong hóa này trở nên nhão, có lực trượt kéo xuống phía dưới”, Thứ trưởng Thành phân tích.

    Ngoài ra, ông Thành cũng đề cập đến các tác động của con người khiến việc sạt lở đất thêm phức tạp. Trong đó có xây dựng đường sá, san ủi lấy mặt bằng xây dựng các công trình xã hội, dân cư và cả các nhà máy thủy điện.

    “Đây là việc ta cắt những ta-luy, mất chân của sườn dốc, làm mất ổn định địa chất. Các hoạt động này là các nguyên nhân kích hoạt để thiên tai xảy ra”, ông Thành nói.

Hiếu Công - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm