Theo Reuters, con tê giác trắng đực cuối cùng trên thế giới, Sudan đã chết vào năm ngoái vì tuổi già ở Kenya, ở tuổi 45. Cái chết của Sudan khiến loài tê giác trắng chỉ còn lại 2 cá thể trên thế giới, đều là con cái.
Hai con cái này, Najin và Fatu, là con gái và cháu gái của Sudan. Cả ba cá thể cuối cùng của loài tê giác trắng sống cùng nhau ở khu bảo tồn Ol Pejeta, cách thủ đô Nairobi 250 km về phía bắc.
Các nhà khoa học phụ trách dự án cho biết họ đã thu được 10 trứng từ Najin và Fatu, 7 trong số này đã được nuôi dưỡng và thụ tinh nhân tạo thành công trong ngày 25/8. Đứng đầu dự án này là các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Vườn thú và Động vật hoang dã Leibniz ở Berlin.
Najin - một trong 2 con tê giác trắng cuối cùng còn sống ngoài tự nhiên. Nó sống tại khu bảo tồn Ol Pejeta cùng với con gái của mình là Fatu, hai mẹ con được canh gác 24 giờ bởi những nhân viên an ninh có vũ trang. Ảnh: National Geographic. |
Tinh trùng sử dụng để thụ tinh cho trứng của Najin và Fatu đến từ 2 cá thể tê giác trắng đực đã qua đời trước đây, được lấy ra và lưu giữ đông lạnh, phục vụ cho mục đích bảo tồn loài vật này.
"Đây là bước quan trọng tiếp theo trong hy vọng tạo ra một phôi thai hoàn chỉnh, có thể được đông lạnh và sau đó đưa vào cơ thể của hai con tê giác mẹ", các nhà khoa học cho biết.
"Chúng tôi bất ngờ với mức độ thành công này, vì chúng tôi thường không đạt được tỷ lệ thành công cao như vậy với những con tê giác trắng cái ở những vườn thú tại châu Âu", các nhà khoa học cho biết thêm.
Kenya từng có tới 20.000 con tê giác vào những năm 1970, nhưng quãng thời gian dài với tình trạng săn bắn trái phép tràn lan khiến cho số lượng loại này chỉ còn lại 650 cá thể, và gần như toàn bộ là tê giác đen.