Nửa năm nay, gia đình ông Văn Toàn trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) không những không phải trả tiền điện, mà mỗi tháng còn nhận được khoảng 1,5 triệu đồng tiền bán điện cho EVN.
Với diện tích mái nhà rộng khoảng 40 m2, ông bỏ ra hơn 90 triệu đồng để lắp kín các tấm pin mặt trời, tổng công suất 7 KW. Ông ước tính có thể hoàn vốn sau chưa đầy 7 năm.
Vừa tiết kiệm tiền điện, vừa lời thêm hàng triệu đồng
Trước khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN, hóa đơn tiền điện trung bình hàng tháng của gia đình ông Văn Toàn là khoảng 600.000-700.000 đồng. Nay sử dụng nguồn điện tự sản xuất, ông ước tính tiết kiệm được 50% số tiền này.
Đồng thời, với giá bán điện hiện nay là 1.943 đồng/kWh, sau khi trừ đi lượng điện tiêu thụ, ước tính nhà ông lãi hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Chưa kể, theo tính toán của đơn vị lắp đặt, hệ thống điện mặt trời nhà ông có thể giúp giảm phát thải gần 7.000 kg khí CO2/năm.
"Như vậy thì từ năm thứ 7 trở đi, tôi có thể yên tâm hưởng lợi hoàn toàn từ những tấm pin mặt trời này. Thấy vừa ích nước vừa lợi nhà nên tôi cũng đã giới thiệu thêm một số người bạn tham gia lắp đặt, mấy tháng nay chưa thấy họ kêu ca gì", ông Văn Toàn chia sẻ.
Đầu tư lắp đặt ĐMTMN hỗ trợ người dân tiết kiệm tiền điện sinh hoạt, đồng thời có thêm thu nhập nhờ bán sản lượng điện dư thừa cho EVN. Ảnh: EVN. |
Thực tế, theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), tính đến ngày 15/12, công suất điện mặt trời ở TP đạt 245 MWp với 12.473 hệ thống ĐMTMN. Tổng sản lượng ĐMTMN phát trong năm nay ước đạt 230 triệu kWh, 70% trong số đó do khách hàng tự sử dụng, còn lại phát ngược lên lưới điện và được EVNHCMC mua lại.
Với những hiệu quả về mặt kinh tế và môi trường, đi kèm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ Chính phủ và EVN, ĐMTMN cũng được các cơ quan Nhà nước hưởng ứng nhiệt tình.
Mới đây, UBND TP.HCM đưa ra chủ trương triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Trước đó, trụ sở UBND các quận 4, 10, 12 và Phú Nhuận đã lắp ĐMTMN. Theo tính toán sơ bộ của EVNHCMC, TP cần chi khoảng 3.000 tỷ đồng để lắp điện mặt trời trên các trụ sở công, đổi lại ngân sách tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Trong tương quan với các tỉnh, TP khác trên cả nước, khu vực phía nam từ Ninh Thuận trở vào được cho là có điều kiện phát triển điện mặt trời hơn cả. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc EVNSPC cho biết địa bàn này có lượng bức xạ mặt trời vào loại cao nhất cả nước, với trên 90% số ngày nắng trong năm.
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, mô hình ĐMTMN thời gian qua cũng phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phía nam. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm, sản lượng ĐMTMN phát lên lưới điện đã đạt 211,24 triệu kWh, chiếm gần 76% tổng sản lượng thu được từ năm 2017. EVNSPC từ đó cũng thanh toán 440 tỷ đồng tiền mua điện cho các khách hàng.
Nhiều công ty điện lực trực thuộc EVNSPC đã thực hiện vượt kế hoạch được giao năm 2020, như Lâm Đồng (567%), Bình Phước (502%), Bình Thuận (386%), Bình Dương (353%)…
Tính chung từ năm 2017 đến cuối tháng 10, EVNSPC đã thanh toán hơn 585,2 tỷ đồng tiền mua điện cho 24.998 khách hàng, tương ứng với sản lượng điện trên 278,53 triệu kWh.
Những bất cập chưa được giải quyết triệt để
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia và phía EVN, tiềm năng ĐMTMN tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía nam, còn lớn hơn hiện tại. Tuy nhiên, do một số khó khăn, vướng mắc nên người dân và doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư.
Tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam 2020 diễn ra mới đây, ông Phan Quang Vinh, Phó ban kinh doanh của EVNHCMC cho biết cơ chế giá FIT với mức giá khuyến khích dành cho ĐMTMN 1.943 đồng/kWh (tức 8,38 cent/KWh) sẽ hết hiệu lực sau ngày 31/12, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về chính sách tiếp theo. Điều này gây ra tâm lý ngần ngại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đang chờ cơ chế giá ĐMTMN mới để quyết định đầu tư. Ảnh: EVN. |
Đồng thời, ông cũng cho rằng nên sớm có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ĐMTMN nhằm hạn chế các sản phẩm kém chất lượng.
Ghi nhận trên thị trường hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh tấm pin mặt trời ồ ạt ra mắt nhưng người dân vẫn thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, bảo hành... Trước đó, một doanh nghiệp từng đặt vấn đề suất đầu tư ĐMTMN đang giảm nhờ giá thiết bị giảm, nhưng có thể đầu tư chưa lâu thì hệ thống đã hỏng hóc.
Thậm chí, để đáp ứng nhu cầu lắp đặt của người dân và doanh nghiệp, các công ty lắp đặt ĐMTMN hiện cũng mọc lên như nấm dù không có chuyên môn. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, EVN đã ra mắt và đưa vào sử dụng trang web chính thức về điện mặt trời, giúp các nhà đầu tư tương lai tính toán suất đầu tư, tìm kiếm đơn vị thi công và liên hệ với EVN...
Tuy vậy, một vấn đề lớn khác đang thu hút sự quan tâm của một bộ phận người dân là quy trình xử lý những tấm pin mặt trời hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng. Bởi lẽ, những tấm pin này nếu được chôn lấp không đúng quy định có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng, hoặc phát sinh khí thải độc hại, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu cháy.
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định buộc nhà sản xuất thu hồi các tấm pin điện mặt trời khi hết vòng đời. Tuy vậy, nếu muốn bán sản phẩm vào Mỹ hoặc một số quốc gia phát triển, họ phải đưa ra cam kết thu hồi này. Chính điều này đang cản trở không ít nhà đầu tư khi quyết định lắp đặt ĐMTMN.