Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thủ phủ hoa Đà Lạt khó khăn giữa đại dịch Covid-19

Từng là ngành kinh tế “hái ra tiền” nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người trồng hoa ở Đà Lạt rơi vào cảnh khó khăn chưa từng có suốt hàng chục năm qua.

Nong dan nho bo hoa anh 1

Bên ngoài nhà kính rộng hơn 2.000 m2 là những đống hoa bị nhổ bỏ, chờ tiêu hủy. Ông Long lau nhanh mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm, thở dài nhìn những cành hoa nở bung bị vứt đống.

“Hàng nghìn lần tôi cắt cành hoa, nhưng đây là lần thứ 2 tự tay cắt cành hoa để tiêu hủy. Mỗi cành hoa như khúc ruột của mình, xót lắm. Nhưng giờ bán 5.000/kg cũng chả ai mua cả”, ông Bùi Đức Long, ở làng hoa Xuân Thành, TP Đà Lạt, buồn bã nói.

“Thuốc thử” cho ngành trồng hoa

Nhớ lại khi chưa có dịch, ông Long cho biết một kg hoa cát tường có giá 60.000-80.000 đồng/kg. “Hơn 2.000 m2 trồng hoa tôi thu về 700-800 triệu đồng. Nay phải tự tay cắt bỏ rất đau đớn”, ông Long ngậm ngùi.

Nong dan nho bo hoa anh 2

Hơn 2.000 m2 hoa cát tường bị cắt bỏ, tiêu hủy. Ảnh: Minh An.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Trí, chủ trang trại trồng hoa lyly cao cấp tại xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt) cũng lao đao khi đau đầu tìm thị trường tiêu thụ hoa lyly trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.

Hơn 2.000 m2 trồng hoa tôi thu về 700-800 triệu đồng. Nay phải tự tay cắt bỏ rất đau đớn

Ông Bùi Đức Long, làng hoa Xuân Thành

Hiện, trang trại hoa lyly của ông có 5 ha cho thu hoạch trung bình 5.000 cành/ngày.

“Tôi phải tìm mối tiêu thụ ở tận miền Tây được bao nhiêu hay bấy nhiêu dù giá bán đã xuống mức rất thấp. Số còn lại buộc phải thu hoạch, để trong kho lạnh chờ 1-2 tuần hy vọng dịch sẽ giảm để hoa có chỗ tiêu thụ. Nếu không cũng phải đổ bỏ như hàng chục hộ trồng hoa ở đây”, ông Trí chia sẻ.

Theo thống kê, hoa Đà Lạt có trên 400 loài với hàng nghìn giống hoa khác nhau với xuất xứ khắp thế giới.

Cúc, hồng và lay-ơn là 3 loại hoa chiếm diện tích nhiều nhất trong cơ cấu các giống hoa trồng tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã trở thành “liều thuốc” thử cực mạnh đối với ngành nông nghiệp hái ra tiền ở Đà Lạt.

Những thị trường tiêu thụ trọng điểm như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, các chợ đầu mối liên tiếp đóng cửa khiến nguồn tiêu thụ của hoa Đà Lạt rơi vào bế tắc. Giá nhiều loại hoa tại Đà Lạt liên tục rớt xuống mức kỷ lục, giảm 80% so với trước đây nhưng cũng không tiêu thụ được.

Theo thống kê, toàn xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt) có hơn 400 ha hoa các loại, trong đó thị trường tiêu thụ chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội. Hiện, phần lớn diện tích hoa thu hoạch không có đầu ra do các địa phương này thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Thọ Nguyễn Đức Bình cho hay một số hộ dân tìm cách tiêu thụ qua các kênh riêng, chợ nhỏ lẻ nhưng chỉ được 10-15% sản lượng hoa của xã.

“Số diện tích hoa còn lại dù đến kỳ thu hoạch nhưng người dân cố cầm cự, để ngoài vườn hy vọng chờ tiêu thụ. Nhưng tình hình hiện nay rất khó, đến lúc quá đát họ buộc phải cắt bỏ”, ông Bình nói.

Khó chồng khó

Không chỉ thị trường tiêu thụ hoa trong nước “đóng băng” mà nước ngoài cũng bế tắc không kém. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu hoa Đà Lạt, rào cản lớn nhất là quy định cấm sử dụng hoạt chất chứa glyphosate từ ngày 1/7, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT).

“Các nước chúng tôi xuất khẩu hoa đều bắt buộc phải triệt mầm cành hoa bằng hoạt chất glyphosate với tỷ lệ được kiểm tra nghiêm ngặt. Còn trong nước cơ quan chức năng lại cấm vì cho rằng ảnh hưởng sức khỏe”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cho hay.

Hàng triệu cành hoa bị nhổ bỏ ở Đà Lạt "Hoa giờ 5.000 cành không ai mua nên phải nhổ bỏ chứ để cũng không được gì. Nhổ còn xuống giống vụ mới", ông Bùi Đức Long, ngụ TP Đà Lạt, nói.

Đầu tháng 7, nhiều doanh nghiệp ở Đà Lạt đã phải vứt bỏ hàng triệu cành hoa do Australia không chấp nhận hàng khi chưa qua xử lý hoạt chất glyphosate.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, việc sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa cúc và hoa cẩm chướng cắt cành chủ yếu để xử lý vật liệu làm giống phục vụ mục đích xuất khẩu, không sử dụng để quản lý cỏ dại, ảnh hưởng đến đất đai, nguồn nước và chất lượng nông sản.

Ngày 7/6, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng có kiến nghị gửi Bộ NNPTNT cho phép doanh nghiệp trên địa bàn gia hạn sử dụng hoạt chất glyphosate để xử lý sau thu hoạch triệt mầm hoa cúc, cẩm chướng cắt cành phục vụ xuất khẩu sang thị trường Australia đến khi quốc gia này chấp nhận thay thế hoạt chất khác. Tuy nhiên, sau đó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã từ chối việc gia hạn.

Hiện, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hoa sang Australia đang tiếp tục phải đổ bỏ hoa do vướng quy định về sử dụng glyphosate ở trong nước.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Lâm Đồng, nhận định hiện nay toàn tỉnh có khoảng 7 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Australia với sản lượng mỗi năm hơn 40 triệu cây giống, hoa cắt cành các loại.

“Hiệp hội cũng gửi kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ nhờ can thiệp kịp thời để các doanh nghiệp ở Lâm Đồng tiếp tục xuất khẩu hoa sang thị trường truyền thống Australia”, ông Sơn thông tin.

Đâu là giải pháp?

Tỉnh Lâm Đồng có trên 56 doanh nghiệp, làng hoa, hợp tác xã sản xuất hoa với 2.927 ha canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 2.463 ha sản xuất hoa trong nhà kính; 170,1 ha nhà lưới; có 51 cơ sở nuôi cấy mô với năng lực sản xuất trên 72,38 triệu cây giống phục vụ sản xuất hoa thương phẩm.

Từng là mũi nhọn kinh tế của địa phương với thị trường tiêu thụ cả tỷ cành hoa trên khắp cả nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Đan Mạch, Australia, Đài Loan... thế nhưng với khó khăn như hiện tại, rõ ràng ngành hoa Đà Lạt đang cần một liều “vaccine” để phục hồi sau đại dịch.

Nong dan nho bo hoa anh 3

Lâm Đồng đang là địa phương chủ lực cung cấp hoa cho thị trường trong nước và xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Minh An.

Theo UBND TP Đà Lạt, giải pháp trước mắt để giảm thiểu thiệt hại cho người trồng hoa hiện nay là vận động bà con trồng hoa ngắn ngày; chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang một số loại rau ngắn ngày để đảm bảo nguồn cung ứng nội tỉnh và cho các tỉnh, thành phố trong vùng dịch. Tuy nhiên, việc này phải cân nhắc sao cho phù hợp, tránh rơi vào tình trạng “cung vượt cầu”.

Hiệp hội đã đề xuất Chính phủ có chính sách để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ, tái cấp vốn hỗ trợ cho người nông dân tiếp tục tái sản xuất

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cũng cho rằng thiệt hại của người dân trong đợt dịch lần này rất lớn. Tuy nhiên, trong gói hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không có nhóm đối tượng dành cho người trồng hoa là một thiệt thòi cho nông dân.

“Hiệp hội đã đề xuất Chính phủ, Bộ NNPTNT có chính sách để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ, tái cấp vốn hỗ trợ cho người nông dân tiếp tục tái sản xuất”, ông Sang cho biết.

Ngoài ra, hiệp hội đang phối hợp với các doanh nghiệp tìm giải pháp trong giai đoạn khó khăn bằng cách phát triển được các thị trường mới không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Việc tìm thị trường xuất khẩu mới cực kỳ khó khăn, thực tế là có đơn vị ở Đà Lạt đã hợp tác để mở thị trường xuất khẩu hoa sang New Zealand từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông nói thêm.

Ngành sản xuất và kinh doanh hoa Đà Lạt là mũi nhọn kinh tế tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng và đã trở thành thương hiệu của cả nước. Trong những năm qua, ngành hoa liên tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 10.000 ha hoa các loại với sản lượng bình quân 3,6 tỷ cành/năm, xuất khẩu ra nước ngoài 370 triệu cành. Trong đó, TP Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực, chiếm 66% diện tích và 71% sản lượng toàn tỉnh.

Giá hoa chạm đáy, nông dân Đà Lạt phải nhổ bỏ

Thị trường hoa trong nước gần như bị “đóng băng” bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Hoa Đà Lạt đã rớt giá đến 80% vẫn không bán được, nông dân phải tự tay nhổ bỏ.

Minh An

Bạn có thể quan tâm