Ngày 21/9, ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, cho biết sẽ bắt đầu thu phí hoàn vốn dự án hầm đường bộ Hải Vân 1 kể từ ngày 27/9 đối với các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí Bắc Hải Vân.
Trạm thu phí này đang thu phí hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia với mức giá thấp nhất là 35.000 đồng. Do gộp thêm việc thu phí cho dự án hầm Hải Vân 1 nên mức phí được điều chỉnh lên 70.000-240.000 đồng/lượt. Nguồn phí thu về ưu tiên hoàn vốn cho dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia trước.
Hầm Hải Vân. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Ông Thủy cho hay mức phí này vẫn thấp hơn hợp đồng dự án đã ký với Bộ Giao thông Vận tải. Theo hợp đồng ký hồi tháng 3, mức phí thấp nhất tài xế phải trả khi sử dụng 3 hầm Hải Vân 1, Phước Tượng, Phú Gia là 90.000 đồng.
Ngoài việc thu phí thấp hơn hợp đồng, nhà đầu tư cũng miễn phí đối với các phương tiện ở thị trấn Lăng Cô. Người dân có quyền lựa chọn trả phí để rút ngắn thời gian, lưu thông an toàn hoặc đi đường đèo để không phải mất phí.
Từ tháng 1/2016, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả được giao vận hành và chi trả kinh phí quản lý, vận hành hầm Hải Vân. Theo phương án ký kết với với Bộ GTVT, nhà đầu tư được đặt trạm thu phí Nam Hải Vân để hoàn vốn sau khi hoàn thành giai đoạn 1 dự án sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 và sửa chữa, cải tạo 25 km mặt đường trên tuyến đường đèo.
Người dân có thể chọn lưu thông qua đèo Hải Vân để không phải trả phí. Ảnh: Tiến Đạt. |
Tuy nhiên, trạm thu phí dự kiến này chỉ cách trạm thu phí Bắc Hải Vân khoảng 12 km, không đảm bảo quy định nên Bộ GTVT quyết định cho thu gộp phí của dự án trên vào trạm Bắc Hải Vân.
Hầm Hải Vân 1 nối tỉnh Thừa Thiên - Huế với TP Đà Nẵng, từ khi bắt đầu khai thác vào năm 2005 đến nay đã đón khoảng 29 triệu lượt xe qua hầm.
Liên quan đến dự án Hải Vân 2 có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, Công ty Đèo Cả cho biết dự án sẽ thông xe vào tháng 10 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2020.