Những người hâm mộ Premier League đều biết thủ tục cầu thủ nắm tay các em nhỏ đi ra sân từ đường hầm. Người Anh gọi các em nhỏ này là những mascot (một kiểu linh vật của đội bóng).
Tuy nhiên, cái giá để những bậc phụ huynh phải trả cho con mình được gặp các thần tượng bóng đá là không hề rẻ. Một số CLB của Premier League thu mức phí tới 700 bảng (hơn 900 USD) cho mỗi em nhỏ từ dịch vụ này.
Aston Villa là một trong những CLB Anh thu phí từ việc trẻ em được nắm tay cầu thủ ra sân. Ảnh: Getty. |
Biểu phí gây tranh cãi
West Ham United là một trong số đó. CLB này thu tới 700 bảng từ mỗi em nhỏ trong các trận đấu được xếp vào loại A (tức gặp các đối thủ lớn và quan trọng), cao nhất trong số các CLB Anh.
Đội xếp thứ 2 trong danh sách này là Nottingham Forest. Mùa trước, CLB đang chơi ở giải hạng Nhất Anh (Championship) thu tới 650 bảng (khoảng 840 USD) cho mỗi em nhỏ trong các trận đấu hạng Platinum, 500 bảng (645 USD) chưa tính thuế VAT cho các trận đấu ít quan trọng hơn.
Các CLB khác của Premier League như Aston Villa, Tottenham Hotspur, Norwich hay Wolverhampton thu phí dao động từ 350-500 bảng (450-645 USD) cho một em nhỏ. Thậm chí, với nhiều CLB như Brighton hay Norwich, giá để được nắm tay thủ quân còn cao hơn so với bình thường.
Với các CLB được xếp vào hàng "đại gia" như Arsenal, Liverpool, Manchester City, Manchester United hay Chelsea, phụ huynh của các em nhỏ đều được miễn phí thông qua hình thức bốc thăm dành cho các hội viên.
Vài đội "nhà nghèo" khác cũng học theo cách làm này như Derby County, Leeds United, Newcastle hay Southampton. Tuy nhiên, họ chỉ là thiểu số trong rất nhiều các CLB ở Premier League và Championship.
West Ham là CLB thu phí cao nhất đối với trẻ em cho việc nắm tay cầu thủ. Ảnh: Getty. |
Thu phí giấc mơ
Trên Guardian, cây viết Richard Williams đưa ra quan điểm rằng trong một kỷ nguyên mà giá bản quyền Premier League lên tới hàng tỷ bảng, việc đánh phí vào giấc mơ gặp các thần tượng của những em nhỏ là biểu tượng của sự khốn cùng và ám ảnh về mặt vật chất mà giải đấu hàng đầu thế giới đã tạo ra.
Những hành động của các CLB như West Ham, Nottingham Forest hay Tottenham là không thể chấp nhận được nếu so với thứ tình cảm trong sáng và nhiệt thành mà các em nhỏ dành tặng cho đội bóng của mình.
Tiền bạc không phải là tất cả trong bóng đá. Khoảng cách giàu nghèo không nên được khoét sâu đối với những gia đình hâm mộ bóng đá. Đối với những em nhỏ thuộc tầng lớp bình dân hay nghèo khổ hơn, họ liệu sẽ có cơ hội nào để gặp mặt các thần tượng? Trong đôi mắt trẻ thơ, mọi thứ luôn đẹp và trong sáng.
Khi báo chí Anh phanh phui việc các CLB thu lợi từ hành vi này, cựu tiền đạo tuyển Anh Gary Lineker đã nổi giận: "Điều này thật tồi tệ". Các CLB cũ của Lineker đều làm điều đó, từ Tottenham đến Leicester City.
Tại Tottenham, nơi chủ tịch Daniel Levy vẫn miệt mài kiếm những món hời từ chuyển nhượng, CLB thành London thu phí tới 405 bảng (523 USD) cho một em nhỏ. Leicester City thu 600 bảng (775 USD) cho một em nhỏ.
Nhiều CLB có thể biện minh cho việc cần thêm thu nhập để trang trải chi phí. Những CLB từng một thời tung hoành ở Premier League nay ngụp lặn ở hạng dưới như Cardiff, Swansea hay QPR cũng thu phí với các em nhỏ, mức tiền dao động trên dưới 200 bảng (258 USD). Số tiền nói trên còn bao gồm cả vé trận đấu, bữa ăn quà tặng và nhiều thứ khác.
Các CLB hạng dưới của nước Anh cũng kiếm tiền, nhưng theo cái cách ít khiến người ta khó chịu như West Ham hay Tottenham.
Các phụ huynh của các em nhỏ hâm mộ West Ham không chỉ phải trả 700 bảng (hơn 900 USD) cho một lần ra sân, họ còn bị thu thêm 80 bảng (103 USD) cho trang phục và các chi phí liên quan khác.
Theo ước tính sơ bộ, số tiền mà một CLB như Tottenham hay West Ham có thể thu về từ các em nhỏ chỉ đủ trả tiền lương một tuần cho những ngôi sao hàng đầu đội bóng. Tuy nhiên, hành động đó của họ lại nói lên phần nào cách vận hành của nhiều CLB bóng đá tại Anh.