Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong tháng 9

Trong tháng 9 này người đi qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ phải nộp phí đường bộ từ 10.000 -180.000 đồng/vé/lượt, tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện.

Ông Nguyễn Trọng Thảo, Phó tổng giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, cuối tháng 6 vừa qua đã thông toàn tuyến dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 1 và dự kiến thu phí ngay sau đó.

Tuy nhiên, do chưa xây xong trạm thu phí vì những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên đến nay nhà đầu tư vẫn đang hoàn thiện, lắp đặt các trang thiết bị trạm thu phí.

Trước đó, Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Mức thu phí cụ thể từ 10.000 - 180.000 đồng/vé/lượt, tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện.

Đoạn tuyến được đề xuất mức phí thấp nhất là đoạn Vạn Điểm - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại với mức thu từ 10.000 - 40.000 đồng/vé/lượt tùy loại phương tiện.

Đoạn tuyến được đề xuất mức phí cao nhất là đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại với mức thu từ 45.000 - 180.000 đồng/vé/lượt tùy loại phương tiện.

Mức phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 10.000 - 180.000 đồng/vé/lượt tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện.
Mức phí đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ 10.000 - 180.000 đồng/vé/lượt tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện.

Đoạn tuyến Pháp Vân - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại cũng được đề xuất mức thu từ 45.000 -175.000 đồng/vé/lượt tùy loại phương tiện.

Các phương tiện cũng có thể sử dụng vé tháng với mức từ 300.000 - 5.400.000 đồng/vé/tháng; vé quý với mức từ 810.000 - 14.580.000 đồng/vé/quý tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện.

Với phương án thu phí này, dự án có đơn giá 1.500 đồng/km (tính cho loại xe tiêu chuẩn, dưới 12 chỗ ngồi), bằng với mức thu tại các tuyến đường cao tốc làm mới như Cầu Giẽ - Ninh Bình, hay Nội Bài - Lào Cai.

Ông Thảo nói rõ, khi tính toán thu phí không phải thu thời gian ngắn hay dài mà cách tính dựa theo lưu lượng xe. Nhà đầu tư càng sớm bàn giao thì Nhà nước càng có lợi.

Nhiều ý kiến cho rằng, tuyến đường này chỉ sửa chữa, mở rộng và nâng cấp nhưng lại thu phí như làm mới. Ông Thảo khẳng định dù là dự án nâng cấp nhưng để đạt được yêu cầu để phương tiện lưu thông với tốc độ cao, nhà đầu tư phải tăng khối lượng đào đắp để tạo độ phẳng của mặt đường, độ thẳng của hướng tuyến.

Thêm vào đó do thi công nền đường bằng cấp phối đá dăm gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến an toàn giao thông nên Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu nhà đầu tư chuyển sang dùng cấp phối bê tông nhựa rỗng nên chi phí xây dựng gần bằng đầu tư tuyến mới.

Hơn nữa, chi phí giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 2 của dự án đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, khi đường được nâng cấp mở rộng thành 6 làn xe là khá lớn khoảng 2.000 tỷ đồng (dự tính) nên mức đầu tư  của dự án đã phải nâng lên 6.731 tỷ đồng.

Dự kiến, vào tháng 10 tới dự án đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ tiếp tục mở rộng xây dựng thêm 2 làn đường để hoàn chỉnh mở đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới (rộng 33,5 m). Nếu sớm có mặt bằng sạch thì dự án sẽ về đích đúng tiến độ vào năm 2017.

Mỏi tay vì trạm thu phí

Đoạn đường từ ngã ba Tân Vạn (Đồng Nai) về Tân Uyên (Bình Dương) dài gần 10 km nhưng có đến 5 trạm thu phí đường bộ.

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/259667/thu-phi-cao-toc-phap-van---cau-gie-trong-thang-9.html

Theo Vũ Điệp/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm