Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỏi tay vì trạm thu phí

Đoạn đường từ ngã ba Tân Vạn (Đồng Nai) về Tân Uyên (Bình Dương) dài gần 10 km nhưng có đến 5 trạm thu phí đường bộ.

Từ TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đi TP Vũng Tàu, lái xe phải nộp phí 8 lần. Càng ngày, trạm thu phí càng mọc dày đặc gây phiền hà, tốn kém cho dân, doanh nghiệp.

Gánh nặng đổ lên đầu dân

Ngày 20/8, từ Bình Chánh (TP HCM), chúng tôi theo một xe tải đưa hàng xuống kho ở TP Vũng Tàu. Cự ly di chuyển gần 140 km, xe lần lượt qua 5 trạm thu phí, gồm trạm trên đường Nguyễn Văn Linh, trạm cầu Phú Mỹ, trạm thu phí Long Phước (đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), trạm thu phí QL 51 và trạm thu phí cầu Cỏ May.

Ông Hậu, lái xe cho biết mỗi khi đưa hàng từ nhà máy ở Bình Dương về Vũng Tàu, các lái xe mua phí… mỏi tay vì xe qua 8 trạm, đi về phải nộp phí 16 lượt. Đoạn đường từ ngã ba Tân Vạn (Đồng Nai) đi huyện Tân Uyên (Bình Dương) dài gần 10 km được đặt đến 5 trạm thu phí.

“Có tình trạng đặt thêm trạm để tận thu. Sau khi đoạn đường cao tốc TP HCM - Long Thành thông xe, người ta cho đặt thêm một trạm thu phí thứ hai trên QL 51, đoạn qua xã Long Phước (huyện Long Thành, Đồng Nai) để thu phí các phương tiện đi ra từ đường cao tốc. Địa điểm này chỉ cách trạm thu phí cầu Cỏ May cũng nằm trên QL 51 khoảng 45 km”, ông Hậu nói.       

Trạm thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Trạm thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Một số hộ dân ngụ trên đường Nam Hòa, Huỳnh Bá Phấn (quận 9) cho biết trạm thu phí xa lộ Hà Nội cho lắp camera trên đường Nam Hòa ghi nhận biển số các xe “né” trạm rồi truy xuất, buộc chủ xe nộp bổ sung khi ghé trạm đóng phí. Nhiều người có nhà ở khu vực này, xe không qua cầu Rạch Chiếc nhưng vẫn bắt buộc phải nộp vì biển số xe vô tình lọt vào “mắt thần”.

Đại diện Sở GTVT cho biết trên địa bàn TP HCM hiện có 7 trạm đang thu phí, gồm trạm xa lộ Hà Nội thu hoàn vốn dự án cầu Rạch Chiếc, trạm cầu Bình Triệu hoàn vốn cho dự án cầu đường Bình Triệu, trạm An Sương - An Lạc (QL 1A), trạm cầu Phú Mỹ, trạm trên đường Nguyễn Văn Linh, trạm trên đường Võ Văn Kiệt, trạm trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và trạm trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, trên các trục đường ra vào TP HCM hiện nay có khoảng 10 trạm thu phí đặt tại QL 1K, QL 13, QL 51, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM phân tích: Phí giao thông đang trở thành gánh nặng đối với các DN vận tải, gây áp lực lên cuộc sống người dân vì chi phí vận tải được hạch toán vào giá sản phẩm, hàng hóa.

Chưa minh bạch

Theo báo cáo của Bộ GTVT, cả nước hiện có 86 trạm thu phí BOT (đầu tư - thu phí - chuyển giao), trong đó, 72 trạm do Bộ GTVT quản lý, 14 trạm còn lại do UBND các tỉnh - thành ký hợp đồng với nhà đầu tư. Qua rà soát, có 53 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề trên 70 km, 9 trạm có khoảng cách từ 60-70 km và 24 trạm có khoảng cách dưới 60 km.

Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho giữ nguyên 53 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề trên 70 km và 9 trạm có khoảng cách từ 60-70 km. Riêng 18 trạm thu phí có khoảng cách dưới 60 km, Bộ GTVT cũng kiến nghị giữ nguyên và chỉ đề xuất xóa bỏ trạm thu phí đèo Ngang tại Km 590 Quốc lộ 1 (Hà Tĩnh) và trạm thu phí Nam Hải Vân.

Ông Thái Văn Chung cho rằng cần thông tin minh bạch, để tránh lạm dụng thu phí tràn lan. Có tình trạng dự án ở một nơi nhưng chủ đầu tư lại đặt trạm thu phí nơi khác có nhiều phương tiện hơn nên nhiều người không sử dụng dịch vụ vẫn phải nộp phí.

“Nhà nước cần quy định bắt buộc chủ đầu tư các dự án phải có bảng thông báo đủ lớn, rõ ràng đặt gần trạm thu phí để công bố thông tin thu phí cho công trình nào? Chủ đầu tư là ai? Tổng vốn đầu tư là bao nhiêu? Tổng số tiền hoàn vốn là bao nhiêu? Thời gian thu phí bắt đầu từ ngày nào đến ngày nào”, ông Chung đề xuất.

Một số chuyên gia giao thông cho rằng, để tránh tình trạng lạm thu, phương thức BOT chỉ nên thực hiện đối với các dự án đầu tư mới, không thực hiện đối với các dự án sửa chữa, nâng cấp. Ngoài ra, những trạm thu phí nào được gia hạn thu phí, tăng mức phí... phải công khai vì người nộp phí có quyền được biết.

Theo TS Phạm Sanh (chuyên gia trong lĩnh vực giao thông), trước mắt, Bộ GTVT cần tham mưu cho Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới trạm thu phí cả nước dựa trên các kịch bản phát triển bền vững, các mô hình tính toán tiên tiến và không nên thả nổi cho các địa phương lập trạm thu phí.       

Đến  2025, TP HCM có thêm 13 trạm thu phí

Theo quy hoạch mạng lưới các trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án giao thông, đến năm 2020, TP HCM sẽ có thêm 6 trạm thu phí gồm: Cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 22 (Củ Chi), tỉnh lộ 15 (Hóc Môn), đường vành đai 3, hầm Thủ Thiêm và trạm thu phí khu công nghiệp Phú Hữu (quận 9). 

Từ năm 2020-2025 có thêm 7 trạm thu phí gồm: cao tốc TP HCM - Mộc Bài, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và năm trạm thu phí của những tuyến đường trên cao qua địa bàn các quận 1, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, huyện Bình Chánh.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/moi-tay-vi-tram-thu-phi-900445.tpo

Theo Huy Thịnh/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm