Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xe trống không nhưng 'lơ xe mập quá nên quá tải'

Đó là câu chuyện đáng nhớ ngày 23/7, ngày thứ tư thực hiện cân xe quá tải trên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cụ thể, một chiếc xe tải qua trạm cân, bảng điện tử ghi nhận biển số xe và báo quá tải. Tài xế Huỳnh Đình Bảo (43 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) trố mắt nhìn bảng điện tử rồi quay sang nhân viên trong phòng thu phí nhoẻn miệng cười: “Chắc thằng lơ xe mập quá nên quá tải, chứ xe tôi có chở cái gì đâu”.

Để chứng minh, tài xế xuống xe cùng mọi người mở cửa thùng hàng cho thấy bên trong trống rỗng.

Tương tự, một xe tải khác lưu thông qua trạm cân thì bảng điện tử trong trạm thu phí báo xe quá tải. Tài xế Mai Lê Tấn (40 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) gãi đầu không hiểu chuyện gì xảy ra. Bực mình, anh Tấn xuống xe mở cửa thùng xe cũng trống không.

Nhân viên trạm cân xem lại bảng điện tử thì phát hiện biển số xe trên máy khác với số xe mà anh Tấn đang lái.

Chiếc xe của hai anh em anh Huỳnh Cao Sang (Đồng Nai) bị báo quá tải dù xe không chở hàng.
Chiếc xe của hai anh em anh Huỳnh Cao Sang (Đồng Nai) bị báo quá tải dù xe không chở hàng.

Ghi nhận thực tế cho thấy nhiều lúc xe qua trạm, bảng điện tử không tự động cập nhật được biển số, nhiều xe qua trạm hiện ra những thông số rất lạ như “1YVATAI”, “11YATAI”, “DONGPON” khiến nhân viên trạm cũng không hiểu. Nhiều bác tài khẳng định tính chính xác của trạm cân có vấn đề.

Trong khi đó, nhân viên quản lý đường cao tốc lại có vẻ “nhát tay” xử lý khi cân xác định đúng là xe quá tải.

Chẳng hạn, 12h30 cùng ngày, một xe bị báo quá tải. Nhân viên đường cao tốc đề nghị tài xế quay xe ra khỏi đường cao tốc. Tài xế Lê Văn Xuân (42 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết, xe chở hàng thủy sản của gia đình, mới bị lần đầu nên xin cho qua.

Trước sự “mủi lòng” của nhân viên tại trạm đồng thời bị áp lực bởi nhiều xe phía sau bấm còi inh ỏi, tài xế Xuân bất ngờ rú xe bỏ chạy thẳng lên đường cao tốc.

Trước đó, một xe rơmooc chở gỗ cồng kềnh qua trạm cũng bị báo quá tải, buộc phải quay đầu xe trở ra đường cao tốc. Tài xế liền bước xuống xe tranh cãi gay gắt với các nhân viên. Sau một lúc tranh luận, tài xế xe container cũng mua được vé qua trạm thu phí.

Một xe tải khác bị bảng điện tử báo quá tải nhưng lợi dụng xe đông nối đuôi nhau, tài xế nhanh chóng đưa tiền thu phí rồi cho xe chạy thẳng lên đường cao tốc...

Tại sao các cơ quan chức năng không có mặt để xử lý xe vi phạm? Bà Nguyễn Thị Hoài Phương - phó giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E) - cho biết đơn vị có đề nghị Cục Cảnh sát giao thông (C67) và thanh tra giao thông Cục Quản lý đường bộ 4 phối hợp kiểm tra xử lý.

Tuy nhiên C67 chỉ cử lực lượng tham gia một số giờ cao điểm, còn Cục Quản lý đường bộ 4 cho biết chờ ý kiến Tổng cục Đường bộ. Trước mắt, VEC E chỉ còn biết nhờ công an địa phương hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Văn Nhi - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN, trạm cân xe tự động đang có một số lỗi kỹ thuật, sẽ được chỉnh sửa trong thời gian tới.

“Trong giai đoạn này chúng tôi chủ yếu tuyên truyền các lái xe không chở hàng quá tải vào đường cao tốc, biện pháp răn đe được áp dụng chỉ là buộc quay đầu xe ra khỏi đường cao tốc nếu chở quá tải”, ông Nhi nói.

Theo VEC E, trong ngày đầu tiên thực hiện việc chống xe quá tải trên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, VEC E đã từ chối ba trường hợp xe quá tải trọng 26-40%. Các trường hợp có tỷ lệ quá tải thấp dưới 15% thì cảnh báo cho lái xe.

Theo thống kê của VEC E, sau bốn ngày đưa trạm cân tự động xử lý xe quá tải vào hoạt động, ghi nhận có 881 xe vượt quá tải trọng, chiếm tỷ lệ 9,36%.

 

http://tuoitre.vn/tin/lo-xe-map-qua-nen-qua-tai/20150724/lo-xe-map-qua-nen-qua-tai/782205.html

Theo Ngọc Ẩn - Sơn Bình / Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm