Béo bụng là tình trạng phổ biến ở nhiều nam giới. Nó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, phổ biến nhất là dư thừa mỡ nội tạng - lượng mỡ bao quanh các cơ quan.
Theo CNN, cuối tháng 9/2020, các nhà nghiên cứu tại Canada và Iran đã phát hiện, béo bụng khiến nam giới có khả năng chết sớm cao hơn 12%, tương ứng mỗi 10 cm tăng lên.
Vòng 2 quá khổ hay bụng bia còn kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, ngưng thở khi ngủ… Dưới đây là những nguyên nhân khiến nam giới dễ béo bụng, vòng hai quá khổ, khó giảm mỡ.
Lão hóa và nội tiết tố
Theo Livestrong, phụ nữ càng lớn tuổi càng có xu hướng tích mỡ tại hông, đùi, nhất là sau khi sinh nở. Hormone estrogen của phụ nữ thúc đẩy quá trình lưu trữ chất béo ở phần dưới cơ thể. Chất béo trong những khu vực dự trữ này có thể cung cấp cho phụ nữ năng lượng cần thiết khi họ mang thai hoặc cho con bú.
Trong khi đó, đàn ông dễ tăng mỡ ở bụng. Trả lời Livescience, tiến sĩ Zhaoping Li, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Con người tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ, cho biết ở nam giới, sau tuổi 40, lượng testosterone giảm mạnh, calo dư thừa nhiều hơn và bị tích trữ dưới dạng mỡ nội tạng.
Khi chúng hết chỗ dự trữ trong bụng, các chất béo sẽ chuyển xuống gan, tuyến tụy và cơ bắp. Đây cũng là lúc nam giới mắc nhiều chứng bệnh như tiểu đường, gan, cao huyết áp, thừa choresterol, tim mạch…
Quá trình lão hóa cũng khiến nam giới mất đi khối lượng cơ đáng kể. Cơ bắp giữ cho quá trình trao đổi chất hoạt động, đốt cháy mỡ. Từ tuổi 30 trở đi, bạn mất khoảng 0,45 kg cân cơ sau mỗi năm. Sự trao đổi chất suy giảm khiến chúng ta dễ tăng mỡ và dồn thẳng xuống bụng.
Béo bụng, mỡ nội tạng tiềm ẩn nhiều nguy hại tới sức khỏe của nam giới. Ảnh: Getty Images. |
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh
Bản chất gây béo là lượng calo nạp vào nhiều hơn lượng calo tiêu thụ. Ăn quá nhiều bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể gây tăng cân. Tuy nhiên, một số thực phẩm bị xếp vào danh sách đen những món ăn đầu bảng tích mỡ bụng. Đó là soda, nước ngọt có ga, nước ép trái cây, nước tăng lực... Thay vì ăn uống những sản phẩm trên, bạn nên lựa chọn món thay thế như nước lọc, trà thảo mộc không đường.
Ngoài ra, ngũ cốc tinh chế trong bánh mì trắng, gạo…, cũng gây béo bụng hơn là ngũ cốc nguyên hạt. Nghiên cứu năm 2010 của Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ phát hiện ngũ cốc tinh chế có liên quan tình trạng tăng mỡ bụng, ngược lại, ngũ cốc nguyên hạt thì không. Thực phẩm tốt cho bạn là gạo lứt, bánh mì nguyên cám. Bạn cũng nên ăn kèm rau xanh, trái cây (không nên chỉ uống nước ép) để đảm bảo khẩu phần ăn đủ chất và calo.
Quá nhiều chất béo bão hòa cũng có thể làm vòng hai của bạn phát tướng. Chúng có nhiều trong thịt và sữa nguyên chất chưa tách béo. Bạn nên nạp chất béo không bão hòa qua các thực phẩm như hạt, ức gà, cá hồi, cá trắng…
Uống nhiều rượu
Một nghiên cứu tại Hàn Quốc, đăng tải trên Epidemiology and Health năm 2010 chứng minh rượu, bia là thủ phạm hàng đầu gây béo bụng.
Chuyên gia nội tiết Michael Jensen tại Mayo Clinic cũng khẳng định điều tương tự. Bởi khi đó, gan sẽ đốt cháy cồn thay vì chất béo bạn nạp vào cơ thể. Bia, rượu có thể chứa tới 150 calo, mỗi bữa nhậu nam giới cũng nạp nhiều món ăn đi kèm, đồ chiên rán khiến lượng mỡ dư thừa càng cao.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng châu Âu cho thấy không chỉ làm vòng hai tăng nhanh, uống rượu bia còn khiến nhiều bộ phận trên cơ thể tích trữ mỡ, không riêng mỡ nội tạng. Uống quá nhiều rượu cũng có thể làm giảm mức testosterone, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất, không thể đào thải mỡ thừa.
Rượu bia đã được chứng minh liên quan tình trạng vòng hai quá khổ, tích mỡ nội tạng nguy hiểm. Ảnh: Freepik. |
Lười vận động
Nam giới làm việc văn phòng, ít di chuyển, vận động thường có vòng bụng to. Hầu hết họ ít tập thể dục hàng ngày do lịch trình bận rộn, thiếu thời gian... Những thói quen này khiến chỉ số trao đổi chất (BMR) giảm xuống.
Lười tập thể thao không chỉ gây béo bụng cho nam giới mà ngay cả nữ giới, điều này cũng rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta không nên tập luyện chỉ tập trung vùng bụng. Sự thật là ngay cả khi tập cơ bụng mỗi ngày, bạn chưa chắc sẽ có vòng 2 phẳng và săn chắc. Chú trọng tập luyện đến một vùng cơ nào đó sẽ chỉ giúp bạn tăng sức mạnh và kích thước khối cơ, thay vì giảm mỡ.
Bạn nên kết hợp các bài tập chức năng, sử dụng toàn bộ cơ bắp của bụng, lưng, xương chậu… Đây là những vùng cơ thể có nhiều bó cơ, giúp đốt cháy calo cao hơn.
Nghiên cứu trên tạp chí Medicine and Science in Sports and Exercise cho thấy nếu bạn giữ cường độ cao trong tập luyện sẽ giúp giảm mỡ bụng hiệu quả hơn. Kate Patton, chuyên gia dinh dưỡng tại tổ chức Cleveland Clinic, Mỹ, khuyến cáo bạn nên dành 250 phút (cường độ trung bình) hoặc 125 phút (cường độ cao) tập thể dục mỗi tuần.
Chỉ gập bụng không giúp chúng ta giảm vòng 2 quá khổ. Ảnh: Getty Images. |
Căng thẳng và thiếu ngủ
Cortisol là loại hormone steroid được sản xuất nhằm giúp cơ thể kiểm soát và đối phó căng thẳng. Khi nam giới đối diện tình huống nguy hiểm hoặc áp lực lớn, cơ thể của họ sẽ tiết ra nhiều cortisol hơn và ảnh hưởng quá trình trao đổi chất.
Chúng ta cũng có xu hướng ăn thứ gì đó hoặc ăn nhiều hơn để giảm căng thẳng. Cortisol khiến lượng calo dư thừa không được chuyển hóa, tích tụ quanh bụng và vùng khác trên cơ thể.
Căng thẳng và chất lượng giấc ngủ kém là nguyên nhân chủ yếu làm tăng mỡ nội tạng. Nhiều người tự tạo áp lực cho bản thân khi bị ám ảnh về cân nặng. Căng thẳng làm tăng lượng hormone cortisol, thúc đẩy quá trình mỡ bám vào các tế bào.
Nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho thấy 30% người dân nước này ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày. Điều này khiến vòng eo tích tụ mỡ thừa nhanh. Thiếu ngủ còn làm tăng hormone thèm ăn ghrelin.
Nghiên cứu tại Mỹ trên 70.000 phụ nữ trong 16 năm phát hiện người ngủ ít hơn 5 tiếng/ngày có nguy cơ tăng hơn 13 kg so với nhóm ngủ đủ giấc. Viện Y tế Quốc gia Mỹ khuyến cáo nhóm người trưởng thành nên ngủ 7-8 tiếng/ngày.
Di truyền
Ngoài ra, theo Medical News Today, một số bằng chứng cũng cho thấy tình trạng béo bụng, béo phì liên quan gene. Tài liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết các biến thể trong một số gene có thể góp phần gây béo phì bằng cách làm tăng cảm giác đói, thèm ăn.
Các gene cũng có thể ảnh hưởng hành vi, sự trao đổi chất, nguy cơ phát triển bệnh liên quan béo phì, gián tiếp tích mỡ cho vòng 2, gây bụng bia.