Năm 2014, các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia tại Paris phát hiện ra những con tinh tinh và khỉ đầu chó ở Uganda có biểu hiện khác lạ. Chúng có phần mũi phẳng hơn, lỗ mũi nhỏ và thậm chí biến mất hoàn toàn. Đồng thời, phần mặt lồi lõm bất thường.
Tại thời điểm đó, khoảng 10% tinh tinh tại khu vực phía bắc của Vườn Quốc gia Kibale có kiểu hình khác thường. Hai năm sau, con số này tăng lên mức 25%.
Hàng loạt thay đổi bất thường
Cùng với phần mũi nhỏ lại, nhiều cá thể linh trưởng tại Uganda còn bị mất ngón tay. Một cá thể cái bị hở hàm ếch, trong khi số khác có vấn đề về sinh sản. Chúng không sinh con hay có bất cứ hoạt động tình dục nào.
Những con tinh tinh có phần mũi nhỏ lại, một số bị hở hàm ếch. Ảnh: The Verge. |
Nhiều nhà nghiên cứu đặt ra giả thiết những con linh trưởng ở Uganda đã nhiễm một loài vi khuẩn có thể gây dị dạng trên khuôn mặt. Giả thiết này nhanh chóng bị bác bỏ bởi chúng không có dấu hiệu loạn sản, triệu chứng thông thường khi bị nhiễm khuẩn.
Sau khi tìm hiểu và loại trừ nhiều khả năng, các nhà khoa học nhận định thuốc trừ sâu trong vùng có thể là nguyên nhân của những biến đổi bất thường.
Những con tinh tinh được bảo vệ kỹ lưỡng trong vườn quốc gia khiến việc tiếp cận chúng trở nên khó khăn. Người ta có thể quan sát từ xa nhưng không thể lại gần và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với loài vật này.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập hạt giống, mẫu đất, trầm tích và cả những con cá trong khu vực này nhằm tìm ra dấu hiệu của thuốc trừ sâu.
Tinh tinh thường lẻn vào các trang trại để ăn hạt và các loại cây vào ban đêm. Ảnh: The Verge. |
Kết quả, những hạt giống và thân cây ngô đều có mức chlorpyrifos cao hơn nồng độ cho phép. Chlorpyrifos là một loại thuốc trừ sâu gây tranh cãi tại Mỹ trong những năm gần đây. Nó hoạt động bằng cách tác động trực tiếp tới hệ thần kinh của côn trùng, khiến chúng tử vong. Ở nồng độ cao, chlorpyrifos có thể gây ảnh hưởng tương tự tới con người.
Ngoài ra, chất DTT và một loại thuốc trừ sâu khác là imidacloprid cũng được tìm thấy. Thực tế này khiến các nhà khoa học kết luận thuốc trừ sâu sử dụng trong những trang trại có thể là thủ phạm gây ra "đại dịch biến dạng khuôn mặt" của loài linh trưởng.
Tác hại khôn lường
Ở vùng Sebitoli của Uganda, việc sử dụng thuốc trừ sâu chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây.
"Nhìn chung, không có nhiều phân bón và thuốc trừ sâu ở châu Phi, vì chúng quá đắt đỏ", ông Colin Chapman, tác giả của công trình nghiên cứu, đồng thời là giáo sư tại Khoa Nhân chủng học thuộc Đại học McGill, cho biết.
Sự phổ biến của một số loại cây trồng khiến việc sử dụng thuốc trừ sâu dần được chấp nhận ở Uganda. Các trang trại thường dùng thuốc trừ sâu nhằm gia tăng sản lượng.
Người dân Uganda chưa ý thức rõ về tác hại của thuốc trừ sâu. Ảnh: The Verge. |
Vấn đề được đặt ra là nhiều người sử dụng loại hóa chất này một cách thiếu kiểm soát, khiến chất lượng đất trồng trọt ở Uganda suy giảm đáng kể.
Quốc gia châu Phi này đang đối mặt với thách thức to lớn từ thuốc trừ sâu. Cơ quan Hóa chất Nông nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Động vật và Thủy sản chịu trách nhiệm trong việc quản lý thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, hàng loạt tổ chức khác tại Uganda đã tìm cách "chung tay" vào quá trình này.
Theo quy định, chỉ những loại thuốc trừ sâu được đăng ký và có nhãn mác đầy đủ được lưu hành trên thị trường. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Tại các trang trại ngô gần khu vực sinh sống của các loài linh trưởng, người ta gieo hạt giống lai được nhập từ Kenya. Những hạt giống này được phủ một chất bí ẩn màu đỏ. Chính người nông dân và người bán hàng đều không rõ về loại chất này.
"Tinh tinh bị ảnh hưởng do lượng thuốc trừ sâu trong nước từ ao hồ và các loại quả, mọi người thì sao?". Ảnh: The Verge. |
Sau quá trình kiểm tra, các nhà khoa học xác định đó chính là imidacloprid, loại hóa chất trừ sâu được tìm thấy trong cơ thể của những con cá quanh đó.
Kiểm soát thiếu chặt chẽ và quy trình đào tạo lỏng lẻo khiến những nhà bán lẻ và cả người nông dân ở Uganda chưa ý thức được sự nguy hiểm của chất hóa học.
Sau khi nhận ra sự thay đổi của những con linh trưởng, chính phủ Uganda quyết tâm xác định mối liên hệ trực tiếp giữa thuốc trừ sâu và "đại dịch biến dạng khuôn mặt' ở loài này. Chúng thường lẻn vào các trang trại để ăn hạt và nhiều loại cây vào ban đêm.
Nhóm nghiên cứu đã đứng chờ hàng giờ dưới những tán cây nhằm thu thập mẫu nước tiểu của các cá thể tinh tinh. Giáo sư Chapman khẳng định ông còn muốn tìm hiểu tác động của thuốc trừ sâu tới con người, đặc biệt là những người sử dụng chúng.
"Tinh tinh bị ảnh hưởng do lượng thuốc trừ sâu nước từ ao hồ và ăn các loại quả, con người thì sao?", ông Chapman lo lắng.