Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thời gian vừa qua bán hàng đa cấp đã giảm mạnh cả về số lượng doanh nghiệp và người tham gia.
Số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có giấy chứng nhận hoạt động còn 36 đơn vị, giảm 46% so với cuối năm 2015. Số người tham gia là khoảng 360.000 người, giảm 276.000 người (43%) so với cuối năm 2016.
Thu nhập 2,7 triệu đồng/năm, khó mà làm giàu từ đa cấp
6 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp là 3.067 tỷ đồng. Tổng hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác họ đã chi trả cho người tham gia là 986 tỷ đồng. Như vậy tỷ lệ hoa hồng trên doanh thu là 32%.
Bộ Công Thương tính toán thu nhập bình quân của 360.000 người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 2,7 triệu đồng/người/năm. Do đó, bán hàng đa cấp không phải là một phương thức kinh doanh có thể làm giàu cho tất cả những người tham gia.
Theo Bộ Công Thương, cả nước chỉ còn khoảng 360.000 tham gia bán hàng đa cấp. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trong số 35 doanh nghiệp đang hoạt động có giấy chứng nhận, 11 doanh nghiệp phát sinh nghĩa vụ phải mua lại hàng hóa từ người tham gia với tổng giá trị ước tính khoảng 6 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cũng đã nhận được nhiều đơn khiếu nại của người bán hàng đa cấp nhưng hầu hết không hoạt động bán hàng mà chỉ trao tiền cho người khác rồi hy vọng nhận được tiền lời cao.
Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp cơ quan Nhà nước không có chứng cứ để xử lý.
"Trùm" đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy chiếm 165.000 người
Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp lớn nhất cả nước là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã chấm dứt hoạt động từ tháng 4. Tại thời điểm chấm dứt hoạt động, Thiên Ngọc Minh Uy có 165.000 người tham gia, trên 20 chi nhánh, 41 địa điểm kinh doanh tại các địa phương.
Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và UBND các địa phương bảo đảm an ninh trật tự do Thiên Ngọc Minh Uy ngừng hoạt động có thể dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng tới an ninh trật tự.
Bộ này cũng thành lập tổ công tác có sự tham gia của Bộ Công an để làm việc với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy để theo dõi, giám sát quá trình công ty này thanh lý hợp đồng với người tham gia, đề phòng tình huống Thiên Ngọc Minh Uy không còn khả năng hoặc từ chối hoàn trả tiền tham gia của người dân.
Một số công ty bán hàng đa cấp bị xử phạt năm 2016. Đồ họa: Hiếu Công. |
Từ đầu năm phạt 4 doanh nghiệp 490 triệu đồng
Đến nay, 15/63 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái…) chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các vấn đề phát sinh từ việc Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt hoạt động kinh doanh đa cấp.
Ngoài việc xử lý việc Thiên Ngọc Minh Uy ngừng hoạt động, từ đầu năm 2017 đến nay Bộ Công Thương cũng đã kết thúc điều tra và xử phạt 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật với tổng số tiền phạt 490 triệu đồng.
Kết thúc kiểm tra và đang tiến hành thủ tục xử lý các vi phạm đối với 2 công ty bán hàng đa cấp khác có liên quan đến việc vi phạm pháp luật kinh doanh trong lĩnh vực này.
Bộ Công Thương cũng đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP để quản lý hiệu quả hoạt động cũng như có đủ chế tài pháp luật quản lý bán hàng đa cấp.