Bà Trang cho biết nhân lực ngành giáo dục mầm non đang thiếu hụt rất nhiều, đặc biệt là TP.HCM. Sự thiếu hụt này ngày một cao khi hàng năm số người đổ về địa phương này ngày một lớn, số trẻ cũng như nhu cầu gửi con của phụ huynh ngày một tăng.
"Hồi xưa 18-24 tháng tuổi là lớp nhỏ nhất, giờ nhiều cơ sở đã nhận trẻ từ 6 tháng tuổi, một vài cơ sở còn nhận cả trẻ mới 3 tháng tuổi", bà Trang phân tích.
Nhu cầu giáo viên mầm non tại TP.HCM rất lớn
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, hiện tại, thành phố có 1.300 trường mầm non công lập và ngoài công lập, gần 1.600 nhóm lớp. Trung bình một năm, TP.HCM có 100 cơ sở giáo dục mầm non mở ra.
Theo dự báo của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2024-2025, địa phương này cần 1.500 trường mầm non để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong tương lai, con số này có thể tăng lên 1.600.
"Có thể thấy, tại TP.HCM, trường học càng ngày càng nhiều, nhu cầu giáo viên mầm non hiện tại và trong 5 năm tới rất nhiều", bà Trang nhấn mạnh.
Bà Đoan Trang dự đoán nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non tại TP.HCM sẽ rất lớn. Ảnh: Linh Thùy. |
Theo đó, bà cho biết cơ hội các bạn sinh viên tốt nghiệp và trở thành giáo viên mầm non được biên chế ở địa phương này cũng rất "rộng cửa". TP.HCM hiện có cơ chế tuyển dụng giáo viên biên chế không cần có hộ khẩu tại đây.
"Các bạn có thể tìm hiểu tiêu chuẩn trở thành viên chức ngành tại Nghị định 115/2020 của Chính phủ về quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT về quy định bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập", bà Trang cho biết.
Ngoài ra, bà Trang khẳng định thu nhập của giáo viên mầm non hiện nay tại TP.HCM "rất ổn". Tại môi trường công lập, thành phố có nhiều ưu đãi đối với giáo viên mầm non. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng có nhiều chính sách, đãi ngộ tốt.
Cụ thể, tại TP.HCM, ngoài mức lương theo hệ số được nhận, sinh viên mới ra trường giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập còn được nhận phụ cấp ưu đãi 35%, phụ cấp theo Nghị quyết 01 của Hội đồng nhân dân TP.HCM thêm 25%.
Bên cạnh đó, đối tượng này còn được hưởng thêm mức lương tối thiểu vùng mỗi tháng liên tục trong 3 năm theo chính sách thu hút giáo viên mầm non.
Đừng sợ thất nghiệp khi không có kinh nghiệm
Tại buổi tọa đàm, một số sinh viên có bày tỏ nỗi lo thất nghiệp trong tương lai khi không có nhiều kinh nghiệm. Bà Trang khẳng định nhu cầu giáo viên mầm non hiện nay rất lớn, điều quan trọng là các bạn sinh viên phải biết mình là ai, khả năng của mình để đưa ra lựa chọn công việc đúng.
Sinh viên sư phạm mầm non không nên lo thất nghiệp khi không có kinh nghiệm. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng không nên lo lắng khi mình không có nhiều kinh nghiệm thực tế bằng những ứng viên xung quanh.
Trong quá trình tuyển dụng, các ứng viên sẽ được nhà tuyển dụng xem xét năng lực thông qua các phần thi lý thuyết, vấn đáp… để xác định mức độ phù hợp với môi trường ứng tuyển.
"Kinh nghiệm của người ta chưa chắc có thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của mỗi trường. Sinh viên mới ra trường có lợi thế là trẻ, thích ứng nhanh với môi trường thực tế", bà Trang nhận xét.
Ngoài ra, theo bà Trang, kiến thức chỉ làm nền tảng cho các bạn sinh viên bước vào thị trường lao động. Một số điều quan trọng hơn là cách cư xử và thái độ đối với công việc, học trò, đồng nghiệp...
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.