Bác sĩ đại khái được chia thành hai nhóm: “bác sĩ công” là những người đang làm việc tại các bệnh viện lớn, ví dụ Bệnh viện X và “bác sĩ tư” là bác sĩ của những phòng khám nhỏ, ví dụ như Phòng khám A thuộc y viện B nào đó.
Sự khác biệt giữa bệnh viện và phòng khám nằm ở chỗ “có cơ sở vật chất để bệnh nhân có thể nội trú được hay không”. Bệnh viện có giường và bệnh nhân có thể nội trú, còn phòng khám về cơ bản không có. Cũng có một số phòng khám có thể điều trị nội trú (dưới 19 giường) được gọi là “phòng khám có giường”, tuy nhiên trong số khoảng 100.000 phòng khám trên toàn quốc (Nhật Bản), chỉ có chưa đến 81 phòng khám như vậy, nên cũng có thể xem là ngoại lệ.
Tiếp theo, chúng ta hãy cùng xem qua một số dữ liệu khảo sát do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi thực hiện về lương của bác sĩ:
• Thu nhập của bác sĩ công tại bệnh viện là 1,23 triệu yên một tháng (trung bình 43,4 tuổi).
• Thu nhập của bác sĩ tư là 2,05 triệu yên một tháng (trung bình 59,4 tuổi).
Tính ra, thu nhập hàng năm của bác sĩ công là 14,79 triệu yên, còn bác sĩ tư là 24,58 triệu yên. Thu nhập hàng năm của bác sĩ tư nhìn có vẻ khá cao, nhưng con số đó không phải chỉ là tiền lương đơn thuần. Số tiền này còn phải trích ra để chi trả tiền vay mở phòng khám hoặc tiền sử dụng thiết bị.
Dữ liệu khảo sát rất lớn, gồm 118.157 bác sĩ công và 71.192 bác sĩ tư trên toàn quốc, cho thấy đây là một khảo sát đáng tin cậy, tuy nhiên độ tuổi trung bình chênh lệch khoảng 16 tuổi. Các bác sĩ công tại bệnh viện thường được tăng lương theo độ tuổi, nếu xét thêm yếu tố đó thì có thể thấy mức chênh lệch trong thu nhập hàng năm giữa hai nhóm bác sĩ này không quá lớn.
Tiếp theo là kết quả khảo sát của Nikkei Medical - một trong những kênh truyền thông mà theo truyền thống thường được các bác sĩ tìm đọc. Theo đó, ”thu nhập trung bình hàng năm của 840 bác sĩ công (với độ tuổi trung bình 45,6) là 14,77 triệu yên”. Theo cuộc khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nói trên, con số đó là 14,79 triệu yên, gần như tương đương.
Ngoài ra, hãy xem cuộc khảo sát mới nhất của chuyên trang về y tế đang hoạt động rất tích cực - m3.com. Kết quả là “12 - 13,99 triệu yên, 14 - 15,99 triệu yên, mỗi nhóm chênh lệch tối đa khoảng 16,4%”, với độ tuổi trung bình là 41,9 tuổi.
Hơn nữa, theo một cuộc khảo sát của Cục Thuế Quốc gia ở 249 phòng khám tư, phần chênh lệch lãi lỗ của bác sĩ tư thông thường vào khoảng 28,87 triệu yên (Báo cáo Điều tra Tình hình Kinh tế Y tế lần thứ 21 , báo cáo thực hiện vào năm 2017).
Qua bốn cuộc khảo sát có quy mô lớn này, có thể thấy rằng ”bác sĩ công tại bệnh viện có thu nhập hàng năm khoảng 15 triệu yên”. Tôi thì không nhận được nhiều như vậy. Bên cạnh đó, thu nhập hàng năm của một bác sĩ tư cũng rất khó ước tính. Tuy nhiên, theo các bác sĩ tư mà tôi quen biết, có vẻ như họ nhận được nhiều gấp đôi so với các bác sĩ công.
Một bác sĩ trẻ người Nhật Bản. Nguồn: expatica. |
Bác sĩ mua xe Lexus bằng công việc bán thời gian
Ít người biết rằng nhiều bệnh viện đại học đề xuất mức lương thấp hơn một nửa so với bệnh viện công. Tôi đã hỏi khoảng 10 bác sĩ với độ tuổi trên dưới 30 đang làm việc tại các bệnh viện đại học và được biết mức lương hàng tháng của họ là từ 150.000 đến 200.000 yên. Dù còn phụ thuộc vào hiệu quả công việc, nhưng tại các bệnh viện thông thường, với độ tuổi đó có thể nhận khoảng 500.000 đến 800.000 yên.
Tôi đã hỏi kỹ một người bạn bác sĩ đang làm việc với thu nhập 200.000 yên hàng tháng. Có thể sẽ có bạn cho rằng: “200.000 yên một tháng là đủ sống”, nhưng các bác sĩ tiêu tốn không ít cho các khoản liên quan đến công việc. Phí tham gia một hội nghị học thuật tốn khoảng 100.000 yên, ngay cả máy tính cá nhân cho công việc cũng hiếm khi được nơi làm việc chi trả là phải tự trả bằng tiền cá nhân. Người bác sĩ ấy hiện sống ở Tokyo, nếu trừ tiền thuê phòng 100.000 yên ra thì tiền sinh hoạt chỉ còn lại vài chục nghìn yên. Thật là không đủ sống.
Vậy họ phải làm gì để đủ tiền sống? Thực ra là họ đang làm thêm “công việc bán thời gian” để bù vào phần còn thiếu ấy.
Hẳn bạn sẽ thắc mắc, không lẽ bác sĩ mà cũng đi làm thêm ư?
Bác sĩ có đi làm thêm. Tôi chưa từng gặp bác sĩ nào mà chưa từng đi làm thêm. Tôi nghĩ hầu hết bác sĩ đều như vậy.
Phần lớn các bác sĩ trẻ ở bệnh viện đại học đều trực ca đêm tại các bệnh viện quy mô vừa và nhỏ, nghĩa là phải ở lại bệnh viện làm việc vào ban đêm, từ khoảng 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Ngoài ra còn có loại công việc bán thời gian được gọi là trực ca ngày: làm việc hai ngày một đêm – từ thứ Bảy đến Chủ nhật, hoặc làm liên tục 3 ngày 2 đêm – từ đêm thứ Sáu đến sáng sớm thứ Hai.
Theo quy định, bệnh viện phải có bác sĩ túc trực 24/24 giờ, nhưng nếu chỉ có bác sĩ làm toàn thời gian thì khó xoay xở nên mới thuê người làm bán thời gian như thế này. Hơn nữa, do mất cân đối cung cầu về bác sĩ, ở các bệnh viện lớn thì có nhiều bác sĩ, nhưng lại không ít bệnh viện vừa và nhỏ lại thiếu nhân lực.
Tôi có quen một bác sĩ đã mua được một chiếc xe Lexus bằng số tiền làm thêm. Bù vào đó, nghe kể anh ta chỉ ngủ ở nhà hai ba lần một tháng, mỗi ngày mang theo túi xách đi khắp nơi và ngủ ở nhiều bệnh viện khác nhau. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh viện công nghiêm cấm làm thêm vì cho rằng điều đó gây ảnh hưởng đến nghiệp vụ chính.
Công việc làm thêm của bác sĩ thường chia làm ba loại:
- Một là “Cấp cứu khẩn cấp” – theo đúng nghĩa của từ này, là làm việc trong một bệnh viện ngoại trú chuyên về cấp cứu rất bận rộn. Mức lương thường cao, có thể lên tới 10.000 yên một giờ. Thay vào đó, tất nhiên cả đêm họ không thể chợp mắt, phải liên tục khám và xử lý những bệnh nhân đang nguy kịch, vì vậy ngày hôm sau, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi, giơ tay nhấc chân cũng không nổi, nên chỉ các bác sĩ trẻ mới có thể làm nổi.
- Hai là ”Trực ngủ”. Công việc này đúng như tên gọi, là vừa “trực ca” vừa “ngủ”. Nội dung công việc là “không có việc cụ thể nào trong đêm, nhưng nếu có vấn đề gì thì phải phản ứng linh hoạt”. Vì hầu hết thời gian đều có thể ngủ nên lương sẽ rẻ hơn “Cấp cứu khẩn cấp”, giá thị trường khoảng 30.000 đến 40.000 yên một đêm.
- Sau cùng là “Kiểu chuyên dụng” – đòi hỏi bác sĩ có thể sử dụng các kỹ năng chuyên môn như chụp dạ dày, đọc được hình chụp nhũ ảnh hoặc có thể khám bệnh ngoại trú chuyên khoa. Chắc bạn sẽ cho rằng kiểu này lương cao lắm, tuy nhiên nó cũng chỉ bằng hoặc thấp hơn so với ”Kiểu cấp cứu khẩn cấp” mà thôi.
Thêm vào đó, còn có rất nhiều công ty chuyên giới thiệu việc làm thêm. Trung bình có 10 công ty lớn cử bác sĩ đến và nhận từ bệnh viện mức hoa hồng vào khoảng 10% đến 20% mức lương bác sĩ.