Cứ từ tháng Giêng đến tháng 6 hàng năm, người dân ở quanh khu vực cầu Khê Hòa lại đổ xô đi vớt rau câu bán cho các thương lái ở Bình Định. Người dân ở một số tỉnh khác như Bình Định, Phú Yên cũng về đây khai thác loại rau này.
Ông Nguyễn Danh, thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi làm nghề này từ nhiều năm nay. Tuy đây là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập cao. Nhà có tới 7 người nhưng chỉ có 3 sào lúa, nếu không có nghề này thì lấy tiền đâu gửi cho con ăn học”.
Cha con ông Nguyễn Danh, xã Tịnh Hòa dồn rau câu vào bao để cân cho thương lái. |
Trung bình mỗi ngày ông Danh vớt được gần 1 tạ rau câu. Với giá bán từ 4.500 đến 5.000 đồng/kg, ông cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng/ngày. “Mấy hôm nay, hai thằng con trai của tôi mới đi học ở xa về cùng tham gia nên trung bình mỗi ngày 3 cha con tôi cũng kiếm được tiền triệu. Tranh thủ tích góp để vài bữa nữa có tiền cho tụi nó bước vào năm học mới”, ông Danh tính toán.
Theo ông Danh, nghề khai thác rau câu không khó, nhưng cần phải có sức khỏe để ngâm mình cả ngày dưới nước. Vì vậy, mặc dù ở gần nhưng nhiều người dân xung quanh vẫn không thể làm. Dụng cụ để vớt rau câu cũng đơn giản, chỉ cần một chiếc ghe nhỏ hoặc thúng là có thể hành nghề được.
Từ nhiều năm nay, nghề khai thác rau câu đã trở thành nghề hái ra tiền đối với nhiều người. Chính vì vậy có nhiều nông dân ở tận Bình Định cũng ra đây hành nghề mỗi khi tới mùa rau câu. Anh Nguyễn Đức Chi, ở Tam Quan, Bình Định chia sẻ: “Ở quê tôi, rau câu cũng nhiều lắm nhưng đông người khai thác quá nên phải ra tận đây để hành nghề. Năm nào cũng vậy cứ mỗi độ từ tháng giêng đến tháng 6 thường có rau câu xuất hiện, tôi lại khăn gói tìm đến khu vực này để vớt rau câu. Đỡ cái là mình có người quen ở gần đây nên việc lưu trú cũng dễ dàng. Còn những người không có người quen thì phải dựng tạm lều để ở lại hành nghề.
Việc khai thác rau câu được nhiều hay ít tùy thuộc vào con nước cạn hay sâu. Vì vậy cứ mỗi đợt như thế anh Chi phải ở lại khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Sau khi đã khai thác được đầy xe, anh thuê xe chở về quê để bán. “Rau câu được người tiêu dùng ưa chuộng nên rất dễ bán, có bao nhiêu là thương lái thu mua hết bấy nhiêu. Họ chế biến ra nhiều loại và bán với giá cao, bởi việc làm sạch rau câu mất rất nhiều thời gian và công đoạn”, anh Chi cho biết.
Rau câu là loại rong biển giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng để chế biến thực phẩm như thạch rau câu, canh rau câu được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng như hiện nay, rau câu được xem là loại thực phẩm “vàng” giúp giải nhiệt rất tốt.
Nghề khai thác rau câu đã và đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người dân sống gần biển. Tuy nhiên, nếu việc khai thác diễn ra một cách rầm rộ như hiện nay thì nguy cơ cạn kiệt, tận diệt loại rau quý này là điều khó tránh khỏi.