Đây là nội dung được lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra chiều 27/12.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 25/12, tổng thu ngân sách Nhà nước đã đạt trên 1,69 triệu tỷ đồng, vượt 4,5% so dự toán Quốc hội giao. Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 4,6%, thu ngân sách địa phương vượt 4,4% dự toán.
Bộ cũng cho biết cấu thành số thu vượt dự toán kể trên, phần thu nội địa từ đầu năm đã tăng 5,7%, thu dầu thô tăng 44,6% và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán.
Cũng trong giai đoạn này, tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân vào khoảng 193.400 tỷ đồng (bao gồm miễn, giảm 78.400 tỷ, gia hạn 115.000 tỷ).
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo quyết liệt công tác thu trong những ngày còn lại của năm, phấn đấu thu đạt mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán, dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tăng chi cho đầu tư phát triển.
Ở chiều ngược lại, số chi ngân sách Nhà nước đến nay đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán và bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng giao. So với cùng kỳ năm 2022, mức chi này đã tăng 144.000 tỷ đồng.
Chi thường xuyên cùng giai đoạn ước đạt 90,3% dự toán, đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đến hạn, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7 (khoảng 470.000 tỷ đồng).
Với tỷ lệ thu - chi kể trên, năm 2023 ngân sách Nhà nước ước tính bội chi 36.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết lũy kế đến ngày 25/12, đã phát hành được 296.700 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch, kỳ hạn bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân là 3,21%/năm. Từ đó góp phần bù đắp bội chi và trả nợ các khoản nợ gốc ngân sách trung ương đến hạn.
Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ, trong năm nay, thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận tăng trưởng nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bảo hiểm lại ghi nhận xu hướng giảm ở một số chỉ tiêu.
Trong đó, tính đến 25/12, đã có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng 245.900 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Khối lượng mua lại trước hạn là 230.200 tỷ đồng, tăng 5,8%. Cơ cấu nhà đầu tư chủ yếu là tổ chức chiếm 93,2% (trong đó 54,5% là các ngân hàng thương mại), các nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 6,8% lượng trái phiếu phát hành.
Với bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết tổng tài sản toàn thị trường này vẫn tăng 11,1%, số đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,8%, chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 31,3%, tuy nhiên doanh thu phí bảo hiểm lại giảm 8% so với năm 2022. Đây cũng là năm đầu tiên ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm sụt giảm sau hơn chục năm tăng trưởng dương liên tiếp.
Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do kinh tế khó khăn và những bất cập trong tư vấn bán hàng, đặc biệt là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng làm phát sinh tranh chấp trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm thời gian gần đây đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm của người dân.
Về công tác cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Bộ cho biết hoạt động này năm qua còn chậm. Tính đến 25/12, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp mới thực hiện thoái vốn tại 12 đơn vị với giá trị 65,2 tỷ đồng, thu về 229 tỷ đồng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.