Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ môn Kiều Trinh và cái duyên bắt phạt đền

HLV thủ môn kỳ cựu Kim Hồng từng nói, nếu ĐT nữ Việt Nam có cơ hội đá luân lưu thì chúng ta chẳng sợ gì Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc… Vì trong khung gỗ, đã có Kiều Trinh!

Thắng kịch tính Myanmar, tuyển nữ Việt Nam vào chung kết

Thua ngược 2-3 dù dẫn trước hai bàn trong hiệp 1, tuyển Việt Nam phải nhờ tới bàn thắng ở phút bù giờ cuối cùng để gỡ hòa 3-3 trước khi thắng 5-4 trong loạt sút luân lưu may rủi.

Vẫn biết đấy là một câu đùa, nhưng không thể phủ nhận niềm tin tuyệt đối mà Kim Hồng đặt vào học trò, cũng là truyền nhân của cô ở TPHCM và ĐT nữ Việt Nam. Kể từ khi tiếp quản vị trí gác đền của Kim Hồng (cuối 2004, đầu 2005), Kiều Trinh nổi lên như là một chốt chặn không thể thay thế, và đặc biệt xuất sắc ở khả năng bắt phạt đền.

Kieu Trinh bat phat den anh 1
Chung kết SEA Games 2009 trên sân Chao Anuvong, Kiều Trinh đã mang về chiến thắng tuyệt đối 3-0 cho ĐT nữ VN trước người Thái. Ảnh: Quốc Bảo

Kiều Trinh, cô gái quê Sa Đéc hiền lành, quen nói lí nha lí nhí, ai trêu một câu đã đỏ mặt tía tai, nhưng hễ cứ xỏ găng là lột xác thành một tay gôn lì lợm. Các chân sút nổi tiếng một thời của Thái Lan như Suphaphon hay Pitsamai đều quý Kiều Trinh nhưng rất “ngán” cô. Trinh kể lại rằng mỗi lần chạm nhau ở đường hầm ra sân, hai đối thủ người Thái luôn tìm cách bóp vào tay cô và cười ranh mãnh, như thể làm phép để… “hù”.

Chẳng phải tự nhiên mà các nữ cầu thủ Thái Lan “ớn” Kiều Trinh đến thế. Trận chung kết SEA Games 2009 trên đất Lào, Trinh đã vô hiệu hoá tất cả cơ hội của Thái để 120 phút hoà 0-0, và đến loạt 11m, cô đẩy được 1 quả và gây áp lực khiến đối thủ đá ra ngoài 2 quả nữa. ĐT nữ Việt Nam thắng tuyệt đối 3-0 ở chấm phạt đền.

Sau lễ trao HCV trên sân Chao Anuvong tối hôm ấy, Kiều Trinh cười rất tươi mà bảo rằng khi đứng trước quả luân lưu, có một thứ sức mạnh vô hình nào đó làm cho cô cảm thấy vô cùng tự tin vào khả năng phán đoán. Nghe bí hiểm là thế, nhưng Trinh “bật mí” thì lại thật hồn nhiên: sức mạnh ấy có được nhờ trò đá 11 m uống… nươc ngọt mà cô hay chơi với các đồng đội của mình.

Chẳng biết đến giờ, khi đã 32 tuổi (Trinh sinh năm 1985), cô còn tiếp tục trò chơi ấy không, nhưng rõ ràng là khả năng bắt phạt đền của thủ môn người Đồng Tháp không hề suy giảm. Đêm qua, thêm một lần cản phá thành công của Kiều Trinh đã giúp thầy trò HLV Mai Đức Chung vượt qua Myanmar với tỷ số sít sao (5-4) để vào chung kết giải vô địch Đông Nam Á.

Kieu Trinh bat phat den anh 2
HLV Trần Vân Phát coi Kiều Trinh là người có tài bắt penalty trời phú. Ảnh: Quốc Bảo

Nhìn lại hành trình bách thắng trên chấm phạt đền của Kiều Trinh, người Myanmar ắt phải ngậm ngùi cay đắng. Năm 2012, cũng ở giải vô địch Đông Nam Á, Kiều Trinh đã hoá giải lượt sút cuối khiến Myanmar chỉ có thể về nhì, dù đã chơi 120 phút hay hơn đội chủ nhà Việt Nam.

Tài bắt phạt đền của Kiều Trinh không chỉ gói trong những giải đấu của cái ao làng. Trước những đối thủ lớn, Kiều Trinh luôn chơi tốt, dù đội nhà thua đậm. Điển hình là trận gặp Trung Quốc ở vòng loại cuối cùng Olympic 2016, cô cũng cản phá thành công một quả 11m.

Để nói về Kiều Trinh, không gì hơn là nhận xét của HLV Trần Vân Phát, người đã đặt cô vào vị trí “bất khả xâm phạm” suốt những năm tháng ông cầm quân ở Việt Nam. Ông Trần từng nói đại ý rằng, trên thế giới, ngay cả các nam thủ môn thực sự giỏi bắt phạt đền cũng không nhiều, nhưng với Kiều Trinh, dường như đó là một tài năng trời phú.

Thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh sinh năm 1985 tại Sa Đéc (Đồng Tháp), có sở thích nuôi chó và luôn mang theo một chú chó cưng mỗi khi đi đội tuyển. Kiều Trinh được gọi vào đội bóng đá nữ năng khiếu TPHCM từ năm 13 tuổi. Năm 2004, mới 18 tuổi cô đã được bắt chính ở ĐT U19 Việt Nam, và ngay sau đó thay thế đàn chị Kim Hồng ở ĐTQG. Bất chấp nhiều lần chấn thương đầu gối, Kiều Trinh vẫn độc tôn vị trí số 1 cho đến tận hôm nay. Kiều Trinh giành chức vô địch SEA Games 2005, 2009, vô địch Đông Nam Á 2006, 2012, Quả bóng Vàng nữ VN 2011, 2012.

Quốc Bảo

Bạn có thể quan tâm