Hôm 7/6, Harry H. Rogers điều khiển ôtô tải lao vào đám đông đang biểu tình ôn hoà tại khu vực Richmond, bang Virginia. Giới chức địa phương chưa ghi nhận thương vong nghiêm trọng nào trong vụ việc, theo CBS.
Rogers đã bị bắt và phải đối mặt với nhiều cáo buộc nghiêm trọng, bao gồm đe doạ và hành hung, cố ý gây thương tích và phá hoại tài sản, theo tuyên bố của luật sư liên bang hạt Henrico, ông Shannon Taylor.
Harry H. Rogers đã điều khiển xe ôtô lao vào đám đông đang biểu tình ôn hoà tại khu vực Richmond, bang Virginia. Ảnh: Getty Images. |
“Dựa trên lời khai của nghi phạm và thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi xác định được Harry H. Rogers là thủ lĩnh của KKK và cũng là người tuyên truyền cho hệ tư tưởng Liên minh miền Nam”, ông Taylor cho hay.
“Chúng tôi đang điều tra để xác định các cáo buộc liên quan đến yếu tố thù hận trong trường hợp này”, tuyên bố cho biết thêm.
Harry H. Rogers, 36 tuổi, đã hầu toà sáng ngày 8/6 và được chỉ định một luật sư công, George Townsend. Vị luật sư này vẫn chưa phản hồi yêu cầu bình luận về vụ việc.
“Các cáo buộc đều rất nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang chia rẽ sâu sắc vì nạn phân biệt chủng tộc”, luật sư liên bang Shannon Taylor nhận xét.
Cũng theo ông này, một vụ tấn công tương tự vào năm 2017 tại Charlotteville đã khiến một người phụ nữ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Kẻ tấn công, James A. Fields, đang phải thi hành nhiều bản án chung thân.
KKK có nhiều thành viên là nam giới da trắng. Hội kín này ủng hộ các quan điểm cực đoan, bao gồm thuyết người da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc, chống nhập cư, bài xích người Do Thái và người theo đạo Công giáo.
KKK thường có hành động khủng bố, tấn công bạo lực nhằm vào các nhóm người và cá nhân mà họ kỳ thị. Ảnh: BBC. |
Trong lịch sử, KKK thường có hành động khủng bố, tấn công bạo lực nhằm vào các nhóm người và cá nhân mà họ kỳ thị. Phong trào này kêu gọi thanh lọc xã hội Mỹ và thu hút khoảng 5.000-8.000 thành viên vào năm 2016, theo số liệu thống kê của Trung tâm hỗ trợ pháp lý Southern Poverty.