Không thờ ơ với người bị nạn
Lâu nay, hình ảnh chiếc xe cấp cứu có để dòng chữ “Xe cấp cứu từ thiện tai nạn giao thông” kèm 2 số điện thoại phía trước và sau xe cùng người chủ chiếc xe đã trở nên quen thuộc đối với người dân xã Phước Tân và nhiều người đi đường trên QL51 qua địa phương này.
Mỗi khi có thông tin về tai nạn giao thông là anh Lưu Tiến Dũng (47 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), đội trưởng đội cấp cứu tự nguyện xã Phước Tân cùng anh em trong đội chạy chiếc xe tới.
Tại hiện trường, nạn nhân vẫn đang nằm bất động, trong khi nhiều người đi đường chỉ ngoái cổ nhìn thì các thành viên của đội có mặt ngay lập tức, nhanh chóng đưa nạn nhân lên xe chở tới bệnh viện.
Nói về hành hiệp giúp người gặp nạn mà lâu nay đã làm anh Dũng cho biết: “Cách đây đã lâu, trong một lần chứng kiến một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên QL51, tôi thấy trong khi nạn nhân đau đớn rên rỉ trong tuyệt vọng thì nhiều người đi đường chỉ biết đứng nhìn nạn nhân. Tôi nhận thấy nếu không được chuyển vào bệnh viện kịp thời thì khó qua khỏi, liền kêu gọi những người xung quanh hỗ trợ và dùng xe máy chở nạn nhân đến bệnh viện. Từ đó đến giờ cũng đã hơn 10 năm, mỗi khi gặp, hoặc có tai nạn xảy ra là tôi có mặt. Lúc trước tôi chỉ bắt hoặc chặn xe dọc đường để nhờ họ chở người bị nạn vào bệnh viện. Ngày xưa người ta rất ngại chở người bị tan nạn giao thông đến bệnh viện vì sợ bị liên lụy, bệnh viện giữ lại rồi mất thời gian, phiền hà. Thuyết phục dữ lắm họ mới chở đi chứ đa số từ chối”.
Kết nối những người hành hiệp cứu người
Đầu năm 2010, anh Dũng tự bỏ tiền túi gần 100 triệu đồng sắm chiếc ô tô 7 chỗ rồi cải tiến thành xe cấp cứu, trang bị cáng và đồ sơ cứu, tự chi phí xăng cầm lái chuyển người bị TNGT đi cấp cứu miễn phí.
Trong quá trình hành hiệp cứu người anh nhận thấy khi xảy ra TNGT dân thường vô cảm, thờ ơ với nạn nhân. Nhiều vụ tai nạn, một số đối tượng còn lợi dụng trộm đồ của nạn nhân, trong khi một mình anh thì không thể làm hết các công việc. Xuất phát từ điều này nên anh đã vận động một số anh em ở địa phương tham gia trong nhóm cấp cứu tình nguyện, giúp đỡ người bị nạn và bảo vệ hiện trường.
Chiếc xe ô tô 7 chỗ anh Dũng mua với giá gần 100 triệu đồng dùng để cấp cứu từ thiện người bị TNGT |
"Xe cấp cứu từ thiện tai nạn giao thông" dán 2 số điện thoại để mọi người thông tin khi có tai nạn giao thông xảy ra |
Xe được cải tiến thành xe cấp cứu, được trang bị cả cáng và dụng cụ sơ cấp cứu |
Đến tháng 8/2012, Đội cấp cứu tự nguyện Phước Tân gồm những người chạy xe ba gác máy, tài xế xe ôm, cắt tóc, xe tải nhỏ… đã được UBND xã ra quyết định thành lập, có tư cách pháp nhân, quy chế hoạt động rõ ràng và trực thuộc Hội Chữ thập đỏ xã.
Từ chỗ chỉ có vài anh em xe ôm, ba gác máy tình nguyện tham gia, Đội tự nguyện hiện nay đã có 19 thành viên, chia thành 2 nhóm. Tiền thân của đội là các nhóm lẻ tẻ anh em lao động các ngành nghề khác nhau đang chốt đậu tại các tuyến đường qua địa bàn xã. Khi thấy TNGT xảy ra, các thành viên trong đội sẽ nhanh chóng sơ cấp cứu nạn nhân như gãy tay, chân thì lấy nẹp băng, chảy máu dùng bông gòn, gạc băng bó… trước khi đưa họ đi bệnh viện. Đồng thời đội cũng bố trí người giữ gìn tài sản cho họ, bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông, kịp thời điện báo cho công an, người nhà hay tin và bàn giao hiện trường. Khi đưa lên bệnh viện, anh em ký biên bản khi chưa có gia đình đến kịp để bệnh viện tiến hành cứu chữa..
Đội cấp cứu có những quy chế hoạt động do anh Dũng làm Đội trưởng đưa ra như: Tuyệt đối không nhận tiền của người bị nạn, người gây tai nạn. Không uống rượu bia, say xỉn trong lúc cứu người. Anh em phải đoàn kết giúp đỡ nhau, tôn trọng nhau cùng hành động trong công việc cũng như quan hệ xã hội. Không những cấp cứu tai nạn giao thông mà còn hoạt động cứu hộ, cứu nạn trong phạm vi địa bàn cho phép. Khi tai nạn xảy ra phải nhanh chóng bảo vệ hiện trường, tài sản người gặp nạn, báo cơ quan chức năng có thẩm quyền đến bàn giao hiện trường, tài sản cho người bị và gây tai nạn. Thành viên nào phát hiện TNGT phải lập tức thông báo cho anh em trong đội đến hỗ trợ nhau.
Anh Nguyễn Ngọc Vui (20 tuổi, xã Phước Tân), thành viên trẻ nhất trong đội, làm nghề hớt tóc tại địa phương bên QL51, trước khi tham gia đội từ khi mới thành lập anh cũng đã nhiều lần tự đưa người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện.
Anh Vui chia sẻ: “Trước đây gặp người tai nạn là mình hành động ngay. Thấy người ta thờ ơ với người gặp nạn, không muốn giúp sợ bị liên lụy điều mà mình thấy buồn. Trở thành thành viên của đội cấp cứu tự nguyện mình càng muốn đóng góp hơn nữa cho hoạt động của đội”.
“Vừa rồi anh em đi cấp cứu vụ tai nạn lúc 1h sáng, tới hiện trường thấy 3 người bị tai nạn, 2 người nằm bất tỉnh, khi anh em sơ cứu rồi bế 2 người con lên xe cấp cứu, lập tức người mẹ đang còn tỉnh táo sợ điều gì đó nên giật lại, anh em phải thuyết phục mãi mới đưa lên xe chở đi bệnh viện được. Có lần cấp cứu một người đàn ông trung niên gặp tai nạn khi đang say rượu, người bị chấn thương vài chỗ, chở lên bệnh viện được khoảng 7km thì ông ta tỉnh rượu đòi xuống. Khi chúng tôi bảo đưa tới bệnh viện chữa vết thương đã thì nạn nhân đòi xuống, đòi đập xe cấp cứu”, anh Vui kể về một số lần đi cấp cứu người bị TNGT.
Nói về những khó khăn trong quá trình hoạt động cấp cứu tự nguyện của đội, anh Dũng, chia sẻ: “Những người thờ ơ, lãnh cảm khi gặp người bị tai nạn mà không đem đi cấp cứu thường sợ bị liên lụy, như người nhà tới tưởng người gây tai nạn nên đánh, chở tới bệnh viện bị giữ lại chờ người nhà, công an tới mất thời gian lại bị hiểu nhầm, không quen nhìn những cảnh tai nạn... Không phải lúc nào việc làm thiện nguyện của chúng tôi cũng thuận tiện, có khó này có cái khó khác. Anh em từng gặp những phiền phức, hiểu nhầm, như bị nghi trộm cắp tài sản, lợi dụng bắt chẹt người bị nạn để đòi tiền thù lao, hôi của, là kẻ xấu… Nhiều khi đêm khuya nghe báo tin là anh em lập tức chạy tới hiện trường để đưa nạn nhân tới bệnh viện, về nhà máu me khắp người và xe phải thức đêm để tắm và rửa xe. Nhiều trường hợp bị tai nạn nặng không thể diễn tả được, kinh khủng lắm, bể đầu, gãy chân, máu me đầm đìa. Nhưng đối với anh em, điều đó không quan trọng, việc mình đã làm thì cứ làm đâu có suy nghĩ, cứ suy nghĩ sao làm được. Tôi đã quán triệt với anh em khi tham gia, nên công việc này không có sự quyết tâm thì không phải ai cũng có thể làm được”.
Anh Dũng bên chiếc xe cấp cứu tai nạn giao thông tự nguyện. Ảnh: Dân trí. |
Ngày 3/11, tại Hà Nội, anh Lưu Tiến Dũng là một trong 5 cá nhân là những tấm gương xuất sắc trong đời sống xã hội, có những nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân đạo, từ thiện được nhận Giải thưởng KOVA lần thứ 11 do Ủy ban Giải thưởng KOVA trao tặng. Đây là niềm khích lệ rất lớn cho những đóng góp của riêng cá nhân anh Dũng cũng như đội cấp cứu tự nguyện đối với xã hội.
Chia sẻ về ngày Việt Nam tổ chức tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT vào 17/11 tới anh Dũng nhắn nhủ: "Những người đã thực sự ngồi trên vô lăng xe cộ thì không nên uống rượu bia, cần có kinh nghiệm lái xe. Trong những trường hợp gặp tai nạn giao thông, quan trọng nhất là phải có đạo đức của người tham gia giao thông, cần phải giúp người gặp nạn trong khả năng có thể như gọi điện thông báo, cấp cứu, những phượng tiện có khả năng đưa đi cấp cứu cần nhanh chóng chia sẻ hoạn nạn với người gặp nạn. Nạn nhân được đi cấp cứu càng sớm thì khả năng cứu chữa sẽ thuận lợi hơn và tỷ lệ thương vong sẽ giảm khi được đưa vào bệnh viện sớm. Việc làm này theo tôi cần phải có cái tâm, cái đức và chí của mỗi người".
“Thời gian qua, tại tỉnh Đồng Nai nhiều đội cấp cứu tai nạn tự nguyện cũng đã được thành lập và hoạt động hiệu quả góp phần giảm thiểu tác hại do các vụ TNGT gây ra như tại TP.Biên Hòa, Hội Chữ thập đỏ P.Bình Đa cũng có chi hội xe ôm sơ cấp cứu với có 25 thành viên; Hội Chữ thập đỏ các phường, xã trên địa bàn TP.Biên Hòa đã củng cố và xây dựng được 112 chốt cấp cứu tình nguyện; Hội Chữ thập đỏ phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) có 2 chốt cấp cứu với trên 20 thành viên”.