Chiều Hà Nội nắng rực rỡ, một nhóm người cưỡi những chiếc xe đạp Lycra đầy phong cách đang thong dong qua làn cầu Long Biên nhỏ hẹp. Dòng xe đạp cao cấp nhập khẩu ngày càng trở nên phổ biến, mở ra một chương mới cho xe đạp thông thường, phương tiện vốn gắn liền với hình ảnh nông dân nghèo và sinh viên nhiều năcm trước.
Người Hà Nội đang quay lại với xe đạp trong những năm gần đây. Ảnh: Quốc Cường |
"Bốn năm trước, khi tôi trả 4 triệu đồng (200 USD) để mua một xe đạp, mọi người trong gia đình đều rất ngạc nhiên. Nhưng giờ đây mọi người đã bắt đầu quen với việc đó", Nguyễn Huy Thắng, thành viên của Tour de Fun, một trong những câu lạc bộ đạp xe nổi tiếng nhất thành phố, chia sẻ.
Chỉ trong một năm, câu lạc bộ Tour de Fun đã thu hút hơn 2.000 lượt "like" trên mạng xã hội Facebook. Khoảng 300 người trong số họ đạp xe thường xuyên. Hàng tuần, nhóm này đều đặn tổ chức nhiều chuyến đạp và đua xe.
Theo Tô Hà, thành viên sáng lập câu lạc bộ, mạng xã hội là công cụ phổ biến giúp mọi người tìm hiểu về đạp xe. Một số khác biết về môn thể thao này qua những chuyến đi nước ngoài hoặc mạng Internet.
"Tôi bắt đầu tìm hiểu về đạp xe trên mạng với mục đích giảm cân. Sau đó càng ngày tôi càng thấy thích. Đây là cách giải tỏa căng thẳng hữu hiệu và giúp tôi hòa đồng hơn", Tô Hà nói.
Để đáp ứng nhu cầu của người chơi xe, các cửa hàng bán xe đạp mọc lên như nấm. Năm 2011, Việt Anh mở của hàng xe đạp Thăng Long ở trung tâm thành phố. Khi đó mới chỉ vài cửa hàng như thế xuất hiện ở Hà Nội. Giờ đây số lượng cửa hàng đã tăng lên 40 tới 50.
Những tên tuổi được ưa chuộng nhất hiện nay là các nhãn hiệu tầm trung của Mỹ, bao gồm cả những xe với giá 500 USD của Specialized và Trek. "Xe đạp Pháp thì rất đắt, giá có thể lên tới 10.000 USD/chiếc. Chỉ những người đạp xe chuyên nghiệp mới tậu xe đắt. Họ rất có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sẵn sàng sắm xe sang với giá vài nghìn USD chỉ để đi tới quán cà phê và phô trương", Việt Anh tâm sự.
Hơn 30 năm qua, Việt Nam đã vươn lên từ sau chiến tranh, nhưng vẫn là nước có mức thu nhập trung bình thấp cùng nền kinh tế có mức tăng trưởng bình quân 5%/năm. Như vậy, 400 USD cho một chiếc xe đạp vẫn là số tiền lớn so với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ 185 USD mỗi tháng.
Tô Hà nhấn mạnh đạp xe thể thao là lựa chọn trong tầm khả năng đối với những người như cô. Những trang phục đi kèm như quần soóc, áo thun thể thao thường có giá từ khoảng 600.000 đến 8.000.000 VND. "Bạn có thể chi tiền cho những gì bạn thích và vẫn có thể gia nhập nhóm", Tô Hà nói.
Xe đạp còn có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Trong suốt những thập kỷ chiến tranh, xe đạp hỗ trợ những người lính. Trong thời bình, xe đạp trở thành biểu tượng cho cuộc sống thành thị, để lại ấn tượng với những nhà văn từng đến đây.
"Chỉ vài chiếc ô tô chạy trên đường. Quan chức chính phủ, kể cả vài bộ trưởng, cũng đi lại bằng những chiếc xe đạp cũ với lòng khiêm tốn và ý thức về công bằng xã hội", nhà văn đoạt giải Nobel Gabriel Garcia Marquez viết sau một chuyến thăm Hà Nội. Những dòng này xuất hiện trong bài viết của ông trên tạp chí Rolling Stone vào tháng 5/1980.
Nhà sản xuất xe đạp Peugeot của Pháp đã rời khỏi Việt Nam từ khá lâu. Nhưng đến nay, Peugeot vẫn là một thương hiệu đáng mơ ước của nhiều người, ông Đặng Quang Minh, chủ đại lý chính thức đầu tiên của Peugeot từ sau chiếc tranh, cho biết.
"Sau năm 1954, không còn đại lý chính thức nào của Peugeot ở Hà Nội. Cho đến những năm 70-80, xu hướng sở hữu những chiếc xe Peugeot bắt đầu xuất hiện. Người yêu thích Peugeot thường mua bằng những cách không chính thống", ông Minh kể. Cửa hàng của ông hoạt động từ tháng 12 năm ngoái, bán nhiều xe thương hiệu châu Âu với mức giá từ 250 đến 5000 USD/chiếc, nhưng Peugeot vẫn được ưa thích nhất. Toàn bộ xe Peugeot hết veo sau một tuần từ khi ông khai trương.
Tuy nhiên, niềm đam mê xe đạp sống lại trong một cộng đồng ngày càng lớn ở thành phố cũng chẳng khiến các nhà sản xuất xe đạp nội địa có lượng tiêu thụ khá hơn. Bởi những sản phẩm giá rẻ với mức giá chỉ dưới 600.000 VND/chiếc, từng rất được ưa chuộng khi xe đạp là phương tiện di chuyển chính của người dân, thì nay lại chẳng phải mục tiêu của những người chơi xe sang.
Chủ cửa hàng Việt Hà cho biết trước đây mọi người không hiểu nổi niềm đam mê xe đạp của anh vì cho rằng xe đạp chỉ dành cho những người nghèo. Tuy nhiên, thực tế đang thay đổi rất nhiều. Với những chiếc xe đạp thể thao ngoại nhập thời trang lướt đi qua các con phố, giờ đây những người mê xe có thể tự tin rằng người qua đường sẽ đánh giá cao phong cách của họ.