Thú chơi dã ngoại của ông chủ khu công nghiệp Amata ở Việt Nam
Mới đây, tập đoàn Amata của Thái Lan sẽ đầu tư một tổ hợp công nghiệp đô thị với vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD tại Đồng Nai sau thành công của dự án khu công nghiệp Amata. Ít người biết rằng, ông chủ của tập đoàn này lại là một doanh nhân khá lãng tử.
>> Đại gia dầu lửa Nga sẽ cùng Petro Vietnam khai thác khí đốt
>> Đại gia Trung Quốc xây biệt thự cho người quá cố
Vikrom Kromadit không chỉ nổi tiếng về kinh doanh mà còn về các hoạt động văn hóa. |
Ngoài vai trò một doanh nhân thành đạt, ông từng học về cơ khí, viết bình luận trên các tạp chí, bình luận viên phát thanh cho chương trình “Tầm nhìn CEO”, là tác giả của cuốn tự truyện Hãy là người tốt với lượng xuất bản hơn 1,6 triệu cuốn, là một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng, giờ đây đã và đang thực hiện một hành trình dã ngoại xuyên biên giới.
Nhà nghèo vượt khó
Ông Vikrom Kromadit là con trai trong một gia đình nông dân trồng mía ở huyện Tha Rue, tỉnh Kanchanaburi. Mẹ ông làm nghề buôn bán ở chợ. Khi còn trẻ, ông đã luôn quyết tâm rằng một ngày nào đó, ông sẽ trở thành chủ của những cánh đồng rộng lớn, bạt ngàn với những người bạn tốt, hưởng thụ một cuộc sống yên bình. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ông đến Đài Loan để học tiếp trung học phổ thông.
Sau khi tốt nghiệp THPT, ông tiếp tục học tại khoa kỹ thuật tại Đại học Quốc gia Đài Loan. Tại đây, ông dần quen với phong tục tập quán của người Trung Quốc và hình thành nên ý tưởng về việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp mà ông đã học hỏi từ Nhật Bản.
Sau đó, ông quay lại Thái Lan và bắt đầu công việc kinh doanh của mình trong các giao dịch quốc tế với khách nước ngoài. Mục tiêu của ông là đảm bảo các khoản đầu tư nước ngoài và công việc kinh doanh được thành công. Vào năm 1989, ông thành lập “khu công nghiệp” đầu tiên của mình. Đây cũng chính là sự khởi đầu cho khái niệm “Thành phố hoàn hảo” của ông.
Hiện tại, ông đang quản lý 3 khu công nghiệp thân thiện với môi trường ở Thái Lan và Việt Nam là Amata Nakorn, Amata City và Amata City Biên Hòa. Tổng diện tích của 3 khu công nghiệp là khoảng 100 km2, quy tụ khoảng 850 công ty từ hơn 30 quốc gia, tạo ra 30 tỷ USD giá trị sản phẩm. Theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2007, Vikrom xếp thứ 27 trong danh sách 40 người giàu nhất Thái Lan và năm 2008, ông được vinh danh là một trong 48 nhà từ thiện kiệt xuất của châu Á.Hiện tại, các công ty đa quốc gia từ Toyota cho đến Bridgestone, Hitachi, Mitsubishi hay Colgate-Palmolive đều tập trung tại hai khu công nghiệp của Amata ở bờ biển phía Đông của Thái Lan, là Amata Nakorn và Amata City.
Các nguyên tắc thành công trong kinh doanh được Vikrom Kromadit đưa ra là “Right Direction, Right Product, Right Market, Right Mind và Right People” (tạm dịch là “Đúng hướng, Đúng sản phẩm, Đúng thị trường, Đúng tư tưởng và Đúng con người”).
Từ “Amata” trong tiếng Thái nghĩa là “Vĩnh cửu”. Đó cũng chính là quan niệm của ông về phát triển bền vững, theo đó bảo vệ môi trường là một trong những ưu tiên của Vikrom trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp. Chính vì vậy, ông đã tặng phần lớn tài sản của mình cho quỹ Amata, một tổ chức giúp ông thực hiện được công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy các công trình và dự án liên quan tới văn hóa.
Ngoài công việc kinh doanh, Vikrom hiện thời đang là chủ tịch của quỹ Amata. Hiện tại, ông dành phần lớn thời gian điều hành quỹ Amata với ba mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là để giáo dục con người bằng cách viết nhiều sách, dựa trên cuộc đời và kinh nghiệm làm việc của mình. Cuốn Hãy là người tốt (Be the better man) của ông đã trở thành sách bán chạy nhất, hơn 1,6 triệu cuốn sách đã được xuất bản, đồng thời được dịch sang nhiều thứ tiếng như Tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật Bản và tiếng Việt.
Ngoài ra, Hãy là người tốt còn được sản xuất thành một bộ phim truyền hình là Fire Amata (tên khác là “Amata’s fire”) được phát trên kênh 9 từ giữa tháng 4 đến tháng 7/2010. Ông luôn mong muốn toàn thể người dân Thái Lan nhận thức, học hỏi và suy nghĩ về sự phát triển tốt đẹp hơn của xã hội Thái Lan trong tương lai.
Mục tiêu thứ hai là bảo tồn, phát triển văn hóa đặc trưng các vùng miền, đặc biệt là nghệ thuật và các tác phẩm viết được thể hiện qua giải thưởng nghệ thuật Amata, giải thưởng nhà văn Amata hằng năm. Mục tiêu cuối cùng là cải thiện xã hội, môi trường Thái Lan bằng việc tạo động lực và khuyến khích con người làm những việc tốt cho quê hương mình. Ông Vikrom là nhà bình luận trên các báo Bangkok Biz , Post Today và một số tạp chí khác.
Năm 2009, tạp chí FDI (FDI Magazine) đã bầu chọn Vikrom là “Nhân vật FDI năm 2008 của khu vực châu Á”.
Việt Nam là một cơ hội
Tầm nhìn của vị giám đốc điều hành tập đoàn Amata còn vượt ra ngoài lãnh thổ Thái Lan. Amata nằm trong số những công ty đầu tiên nhận ra tiềm năng đầu tư ở Việt Nam. Công ty đã thành lập khu công nghiệp Amata Biên Hòa vào năm 1994. Công ty cũng đang dự định mở một khu công nghiệp khác mang tên “Amata Express City” ở gần khu sân bay của tỉnh Đồng Nai sau năm 2010.
Hiện nay Amata là nhà đầu tư Thái Lan lớn nhất tại Việt Nam. Ông Vikrom Kromadit luôn đưa ra những đánh giá lạc quan về việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Một ví dụ sinh động mà ông đưa ra là sự tăng trưởng nhanh chóng của vốn FDI của Đài Loan vào Việt Nam, lượng vốn này đã vượt mức 10 tỉ USD chỉ trong vòng 10 năm. Để thu hút lượng vốn tương tự từ các nhà đầu tư Đài Loan, quê hương ông đã phải mất hơn 4 thập kỷ.
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, Amata hiện được đánh giá là một trong những khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn hiện đại về cơ sở hạ tầng, xanh, sạch, đủ điều kiện đáp ứng tốt yêu cầu đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai.
Tay chơi dã ngoại
Vikrom Kromadit đã và đang kế hoạch cho chuyến đi dã ngoại thường niên kể từ năm 2011. Mục đích của chuyến đi này là để ông dành thời gian nghỉ ngơi, khám phá những điều thú vị qua qua những chặng đường như những danh lam thắng cảnh tự nhiên, những nền văn hóa địa phương lâu đời nhất, những món ăn ngon ở các vùng miền và những con người tài năng, nổi tiếng của các mảnh đất ông đặt chân tới.
Chuyến đi đầu tiên gồm 15 đội, 3 xe bus, 2 xe tải du lịch qua các nước vùng sông Mekong và phía nam Trung Quốc vào tháng 3 đến tháng 6/2011 trong khoảng 77 ngày. Thành thạo tiếng Trung Quốc, Vikrom nhận được sự hỗ trợ chính thức từ các ban ngành chính phủ như Bộ Ngoại giao, Cơ quan Du lịch Thái Lan, Bộ Đầu tư Thái Lan, Phòng Phát triển xuất khẩu để sắp xếp tổ chức những hội nghị chuyên đề về nền các kinh tế và cơ hội đầu tư ở các quốc gia ông đi qua.
Điểm đến tiếp theo của hành trình là năm 2012 tại Mông Cổ. Ông Vikrom sẽ đi từ Bangkok đến Mông Cổ trong 6 tháng, qua Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc. Với sự cộng tác của Công ty THNN Panorama, đây cũng sẽ là một chương trình làm phim tài liệu mang tên “Thách thức thế giới” và “Tầm nhìn ASEAN của Vikrom”, sẽ được phát sóng trên truyền hình Thái Lan vào tháng 6/2012.
Theo VNEconomy