Tai nghe AirPods của Apple ra đời năm 2016 đã mở đầu cho làn sóng những chiếc tai nghe không dây hoàn toàn (true wireless) thực sự tiện lợi. Tuy nhiên cũng có một xu hướng khác cho tai nghe true wireless, đó là tập trung vào âm thanh như sản phẩm Bang & Olufsen (B&O) Beoplay E8 hay Sennheiser Momentum True Wireless.
B&O tập trung vào âm thanh và thiết kế trên Beoplay E8 2.0, cũng là đặc điểm chung từ những sản phẩm âm thanh của hãng. Với giá chính hãng 11 triệu đồng, tức là gần gấp đôi chiếc AirPods đời 2, tôi kỳ vọng một thứ âm thanh vượt trội và xứng đáng với mức giá đó.
B&O Beoplay E8 2.0 là mẫu tai nghe true wireless cao cấp, với giá bán gấp đôi AirPods của Apple. |
Quả thật âm thanh của Beoplay E8 2.0 khá đặc biệt, nhưng không đem lại cảm giác "wow" đáng chờ đợi ở một sản phẩm đắt tiền. Bên cạnh đó, mẫu tai nghe này còn thua kém những tai nghe giá rẻ hơn ở khả năng kết nối và tính năng tiện dụng.
Ngoại hình cao cấp từ hộp đựng
Các dòng sản phẩm của B&O, bao gồm cả loa và tai nghe thường có thiết kế tối giản theo “phong cách Bắc Âu”. Chiếc Beoplay E8 2.0 cũng sở hữu ngoại hình khá đơn giản: phần củ tai nghe với mặt cảm ứng phẳng, thiết kế hình trụ không có nhiều hình khối “gọt” theo kiểu dáng tai nghe.
Khi đeo lên, chiếc E8 2.0 nằm gọn trong tai, không dài và gây chú ý như AirPods. Tai nghe nằm rất khít, khi tôi thử chạy cũng không bị rơi ra. Mặc dù nhìn khá to, tai nghe vẫn cho cảm giác thoải mái khi đeo, kể cả khi nằm nghiêng cũng không đến nỗi khó chịu. Nhưng nếu là người thích kiểu tai nghe đặt trên vành (earbud) như AirPods, bạn có thể cảm thấy khó chịu khi đeo E8 2.0 trong thời gian dài.
Cặp tai nghe này rất nhẹ, gần như không cảm thấy gì khi đeo lên tai.
Trang đánh giá Rtings.com
Cũng cần lưu ý đây không phải tai nghe phù hợp để đeo khi tập thể thao, bởi hãng không hề đề cập đến tiêu chuẩn chống nước.
Hộp đựng tai nghe cũng là một điểm khác biệt của Beoplay E8 2.0.
Sử dụng chất liệu da kết hợp kim loại, chiếc hộp này nhìn giống một món phụ kiện thời trang hơn các loại hộp nhựa đựng tai nghe true wireless thường gặp. Ngoại trừ màu đen, E8 2.0 còn 3 màu sắc khác là xanh, bạc và hồng. Tương ứng với màu sắc tai nghe là màu hộp cũng khá bắt mắt.
Hộp đựng của chiếc Beoplay E8 2.0 cũng được bổ sung khả năng sạc không dây chuẩn Qi, tiện lợi nếu bạn đang sử dụng smartphone có sạc không dây. Tuy vậy, tôi vẫn thấy “yên tâm” hơn với hộp nhựa, vì có thể thoải mái ném trong túi hay dính chút nước mà không có cảm giác “xót của”.
Tai nghe không "thông minh" lắm nhưng pin tốt
Ngoài độ tiện dụng thì các nhà sản xuất thường tích hợp các tính năng “thông minh” cho tai nghe true wireless như khả năng kết nối nhiều thiết bị cùng lúc hoặc tự dừng/phát khi bỏ tai nghe. Nếu xét đến những tính năng này, E8 2.0 chỉ đạt mức khá.
B&O trang bị khả năng điều khiển bằng cảm ứng trên cả 2 tai. Tổng cộng có tới 9 chức năng sẽ được kích hoạt bằng các thao tác khác nhau trên tai nghe, nên muốn điều khiển thuần thục bạn sẽ phải mất kha khá thời gian làm quen. Tuy nhiên khi quen rồi, tôi nhận thấy việc hãng cho phép tự điều khiển chi tiết như vậy cũng là một điều hay, thay vì phải gọi trợ lý ảo để chỉnh âm lượng như trên AirPods.
Vấn đề duy nhất với tôi là điều khiển bằng cảm ứng với nhiều thao tác.
Alastair Stevenson, Trusted Reviews.
Dù vậy, điều khiển bằng cảm ứng vẫn có một số hạn chế. Thao tác chỉnh âm lượng là giữ mặt cảm ứng bên trái hoặc phải, và tôi cảm nhận rõ độ trễ từ lúc chạm tai nghe đến khi âm lượng thay đổi.
Một thao tác khác là chạm tai trái để kích hoạt chế độ “nghe âm thanh ngoài”, mà hãng gọi là transparency. Đôi lúc tôi bị chạm nhầm vào tai trái, và âm thanh đang nghe lập tức bị thay thế bằng các âm thanh ồn ào xung quanh.
Khi bỏ tai nghe vào hộp, tai nghe sẽ ngắt kết nối với thiết bị. Tuy nhiên lúc lấy ra thì nó lại không tự kết nối lại, mà vẫn phải giữ nút bật nguồn. Nhiều tai nghe không dây khác có thể tự kết nối khi bỏ ra khỏi hộp.
Một chi tiết lạ khác là khi bạn bỏ 1 trong 2 tai nghe ra, tai phải sẽ tiếp tục phát nhạc trong khi tai trái thì tắt. Phần lớn các mẫu tai nghe true wireless sẽ dừng nhạc khi bỏ tai nghe.
Beoplay E8 2.0 có thể kết nối cùng lúc 2 thiết bị, và bình thường tôi sẽ kết nối máy với cả smartphone và laptop. Bạn chỉ cần dừng nhạc trên 1 thiết bị là có thể nghe trên thiết bị còn lại. Khi có cuộc gọi đến smartphone, tai nghe cũng sẽ tự động ưu tiên cuộc gọi.
Tuy nhiên việc kết nối 2 thiết bị cùng lúc đôi khi khiến cho âm thanh chập chờn, ngắt quãng. Có thể nguyên nhân nằm ở chuẩn Bluetooth 4.2 trên chiếc tai nghe này, khó đảm bảo kết nối ổn định như Bluetooth 5.0 trên các mẫu tai nghe mới.
Bạn có thể tải ứng dụng Bang & Olufsen trên cả Android và iOS để điều chỉnh chiếc tai nghe này. Ứng dụng không có nhiều tính năng, chủ yếu là khả năng chỉnh chất âm (equalizer) hay chế độ transparency.
Ứng dụng trên iOS và Android không có nhiều tính năng, chủ yếu là để chỉnh chất âm. |
Pin là điểm khiến tôi hài lòng ở mẫu tai nghe này. Mỗi lần sạc đầy, tôi có thể nghe nhạc khoảng 4 giờ, tương đương với 1 buổi làm việc. Tuy nhiên thói quen sử dụng của tôi là thỉnh thoảng lại bỏ tai nghe vào hộp, nên gần như tai chẳng bao giờ hết pin.
Theo nhà sản xuất thì hộp đựng còn sạc đầy tai nghe được thêm 3 lần nữa, như vậy tổng thời gian sử dụng khoảng 16 giờ. Cổng USB Type-C để sạc cũng rất phù hợp nếu như bạn là người dùng smartphone Android hoặc MacBook mới.
Âm thanh hay theo cách riêng
Thứ âm thanh mà E8 2.0 mang tới thực sự khác với những đôi tai nghe true wireless khác đang có trên thị trường, thậm chí có thể gây tranh cãi rằng nó “hay” hay “dở”.
Chất âm của Beoplay E8 2.0 đáp ứng nghe tạp tốt, nhưng có thể hơi thiếu lực với những người quen chất âm phổ thông. |
Thay vì cố gắng tạo ra thứ âm thanh nịnh tai như nhiều cặp tai nghe khác, E8 2.0 mang lại thứ âm thanh khá “nhẹ nhàng”. Bass gọn gàng nhưng không mạnh, nảy sẽ làm những người nghe thích âm trầm nhiều nội lực cảm thấy hơi thiếu. Tuy nhiên chính âm bass có tiết chế này lại tôn được chất âm trung, thể hiện rõ từ những nhạc cụ đến giọng hát ngọt lịm của ca sĩ.
Bang & Olufsen Beoplay E8 2.0s có âm thanh rất ấn tượng, đặc biệt là ở dải cao và trung cao với độ chi tiết tốt.
Rob Boffard, The Master Switch.
Một điều kỳ lạ là mặc dù mid tiến, nhưng dải âm cao vẫn không bị chìm nghỉm giữa những thứ nhạc cụ và giọng hát của người nghệ sĩ.
Nhờ đó, E8 2.0 trở nên phù hợp với những tín đồ của nhạc rock, nhưng dùng nó để nghe nhạc trữ tình hay những bản nhạc cổ điển cũng không tồi chút nào.
Ngoại trừ chất âm hơi khác gu phổ thông, âm trường của E8 2.0 cũng còn hạn chế, chưa thực sự tạo ra không gian âm nhạc đủ rộng. Sự tách bạch của âm thanh cũng không đủ để thỏa mãn những đôi tai khó tính nhất. Tuy nhiên chất âm mặc định vẫn rất phù hợp với một người nghe “tạp”, thể loại nào cũng nghe.
Trong ứng dụng này, bạn còn có thể điều chỉnh chất âm theo các xu hướng như đẩy dải âm thấp hoặc cao, hoặc theo chế độ như đi xe, tập luyện.
E8 2.0 có xứng đáng với mức giá?
Với mức giá 11 triệu, B&O Beoplay E8 2.0 thuộc vào hàng đắt tiền nhất trong số những tai nghe true wireless, và những đặc tính của nó cũng rất khác biệt.
Không thiên về công nghệ và tính năng thông minh như những mẫu tai nghe của Samsung hay Jabra, cũng không có độ tiện dụng tối đa cho thiết bị Apple như AirPods, E8 2.0 hướng tới chất âm như điểm khác biệt chính.
B&O Beoplay E8 2.0 mang giá trị như một thứ phụ kiện thời trang, bên cạnh chất âm và sự tiện dụng của một mẫu tai nghe true wireless. Ảnh: Bang & Olufsen. |
Trong hạng mục này, mẫu tai nghe của B&O chỉ có một đối thủ chính là chiếc Sennheiser Momentum True Wireless. Cả hai đều là những chiếc tai nghe cao cấp, thiết kế đẹp, thuộc thương hiệu nổi tiếng, và giá trị của chúng mang lại không chỉ là sự tiện dụng hay âm thanh. Với giá 11 triệu, B&O Beoplay E8 2.0 còn là một món phụ kiện thời trang.
Nên mua: Nếu bạn thích tai nghe từ một thương hiệu nổi tiếng, chất âm hay và thiết kế trang nhã.
Không nên mua: Nếu bạn muốn tìm một mẫu tai nghe true wireless giá tầm trung trở xuống, thích sản phẩm ổn định hoặc sử dụng iPhone.
Đối thủ: Sennheiser Momentum True Wireless (9 triệu).