Vào tháng 4, Verizon và AT&T, 2 nhà mạng lớn ở Mỹ cho biết thời gian người dùng lên đời iPhone đã kéo dài hơn, chỉ một số ít tha thiết đổi máy mới khi vừa ra mắt. Đây không phải vấn đề của riêng thị trường Mỹ.
Dù vậy, có thể coi Mỹ là một thị trường điển hình, và lý do người Mỹ dùng điện thoại lâu hơn phần nào đến từ 2 thương hiệu thống trị tại đây: Apple và Samsung.
Hai hãng thống trị
Theo phóng viên Vlad Savov của The Verge, những chiếc điện thoại hấp dẫn nhất năm 2019 là Huawei P30 Pro, với khả năng chụp thiếu sáng và đa dạng, cùng OnePlus 7 Pro với màn hình 90 Hz rất ấn tượng. Tuy nhiên, cả 2 máy đều khó mua tại Mỹ, bởi Huawei thì bị cấm bán, còn OnePlus 7 Pro chỉ hợp tác với nhà mạng nhỏ T-Mobile.
Những thương hiệu Trung Quốc như Huawei hoàn toàn vắng bóng tại Mỹ, còn OnePlus cũng ít người biết đến. Ảnh: The Verge. |
Người dùng Mỹ hầu như chỉ biết tới 2 thương hiệu smartphone: Apple và Samsung. Tại các nhà mạng lớn, hầu hết sản phẩm đều thuộc 2 thương hiệu này. Những model khác gần như không xuất hiện, hoặc thỉnh thoảng mới có một sản phẩm đáng chú ý.
Đây là bức tranh khác hẳn thị trường toàn cầu, khi mà các thương hiệu Trung Quốc như Huawei và Xiaomi đang đứng đầu ở rất nhiều bảng xếp hạng. Tại Mỹ, những thương hiệu này gần như không tồn tại. Một công ty Trung Quốc muốn vào thị trường Mỹ phải thông qua những thương hiệu quen thuộc, như TCL sở hữu 2 thương hiệu là BlackBerry và Palm.
Chính OnePlus cũng là một thương hiệu con của BBK Electronics Corp, công ty sở hữu thương hiệu Oppo và Vivo. Những căng thẳng về chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc càng làm cho các hãng smartphone Trung Quốc khó tồn tại ở Mỹ.
Apple và Samsung đã chững lại
Nếu cả Apple và Samsung đều mạnh mẽ đổi mới, có lẽ thị trường smartphone đã khác. Cả 2 hãng dường như đều đang hài lòng với những gì đang có.
“Sự thay đổi rất nhỏ từ thế hệ này sang thế hệ sau không phải là một điều hay, không đủ để là động lực thuyết phục người dùng”, giám đốc tài chính Verizon Matt Ellis nhận định.
Hãy thử liệt kê những thứ hấp dẫn nhất của Galaxy S10: màn hình đẹp và viền mỏng, camera tốt, pin lớn với sạc không dây, chạy nhanh và chống nước cùng giắc cắm tai nghe. Chiếc Galaxy S7 có tuổi đời 3 năm cũng có những yếu tố đó. Một người dùng S7 chắc chắn sẽ muốn nâng cấp lên S10, nhưng họ không nhất thiết phải nâng cấp.
Sau iPhone X có nhiều cải tiến, Apple lại đi vào lối mòn với iPhone XS. Ảnh: The Verge. |
Điều tương tự xảy ra với Apple. Họ từng thay đổi mạnh mẽ với iPhone X vào năm 2017, tạo nên một làn sóng "lên đời" cho những ai đang chờ đợi điều mới mẻ. Tuy nhiên, sau 1 năm, Apple đưa ra rất ít nâng cấp ở thế hệ iPhone 2018. Bạn sẽ khó mà chỉ ra điểm khác biệt giữa iPhone X và XS, giống như lần đầu nhìn thấy iPhone 6 và 6S vậy.
Tình cảnh này giống như đối với thị trường laptop. Trong những năm qua, các hãng đưa ra nhiều nâng cấp như cắt giảm viền màn hình, trọng lượng và hiệu năng, nhưng những nâng cấp đó không tạo ra sản phẩm vượt trội để thôi thúc người dùng đổi mới qua hàng năm.
Khi không có Huawei tạo sức ép, Apple và Samsung có thể tiếp tục nâng cấp một cách nhẹ nhàng qua mỗi năm, ít nhất là tại thị trường Mỹ. Những tính năng độc đáo của sản phẩm Huawei đã được chứng minh bằng thị phần vượt trội tại châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Trong năm qua, doanh số smartphone của Huawei đã tăng tới gần 50%, trong khi cả Samsung và Apple đều giảm nhẹ.
Smartphone siêu đắt đã thay đổi cuộc chơi
Một chỉ số rất quan trọng đối với mọi nhà mạng là doanh thu trung bình từ mỗi người dùng. Khi một người dùng mua smartphone, nhà mạng còn thu được tiền từ những dịch vụ mà họ bán kèm, do vậy họ luôn tìm cách đưa vào càng nhiều dịch vụ càng tốt.
Hình thức bán dịch vụ kèm này càng quan trọng hơn khi các hãng ra mắt smartphone siêu đắt ở mức trên 1.000 USD. Để một người dùng chấp nhận bỏ ra số tiền đó các nhà mạng buộc phải tích hợp nhiều dịch vụ đi kèm, khiến người dùng cảm thấy hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi một người bỏ ra số tiền lớn cho thiết bị họ sẽ muốn giữ nó sử dụng lâu hơn. Apple cũng luôn đảm bảo những thiết bị chạy iOS được cập nhật trong một thời gian dài. Những máy chạy Android thì không được cập nhật lâu như vậy, nhưng người dùng cũng có thể sử dụng một phiên bản cũ mà không thấy vấn đề gì.
Trong khi Huawei cải tiến mạnh mẽ và thuyết phục người dùng khắp thế giới, tại Mỹ thương hiệu này hoàn toàn không xuất hiện. Ảnh: The Verge. |
Cuối cùng thì không phải ai cũng có thể bỏ ra trên 1.000 USD cho một chiếc smartphone, dù chúng có tốt đến đâu. Việc tăng giá smartphone đầu bảng lên mức cao khiến cho những sản phẩm ở tầm thấp hơn cũng tăng theo. Chiếc Galaxy S10 rẻ nhất, S10e cũng có giá 749 USD, tương đương giá Galaxy S8 2 năm trước. Nhìn vào mức giá, cũng dễ hiểu nếu người dùng cảm thấy không đáng phải nâng cấp.
Người dùng hiện tại đã thỏa mãn, những smartphone không quá đột phá và không hề có sự xuất hiện của hãng Trung Quốc, những lý do này khiến thị trường smartphone tại Mỹ chững lại. Smartphone vẫn rất hấp dẫn và nhiều tính năng mới, nhưng một người Mỹ phải ra nước ngoài mới có thể tìm thấy một chiếc vừa tốt, vừa có giá hợp lý.